Phía sau tấm huy chương của làng thể thao không trải bằng thảm nhung và hoa hồng, mà bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Tôi nghĩ như thế khi tận mắt chứng kiến nhiều vận động viên (VĐV) ở các môn thi đấu đối kháng như: Wushu, Vật, Boxing, Karatedo… mặt bầm dập, mắt tím tái bước lên bục danh dự nhận huy chương. Nhưng không ai phàn nàn, mà coi đó là vinh dự của một VĐV.
Điều làm người hâm mộ ngạc nhiên là có nhiều VĐV trưởng thành, có tên tuổi trong làng thể thao của tỉnh và cả nước như: Nguyễn Ngọc Thành, VĐV Karatedo tiêu biểu của Việt Nam; Vũ Thị Hương, VĐV điền kinh được giới truyền thông ví là “nữ hoàng tốc độ… Rồi thế hệ kế tiếp như Hà Văn Dĩnh; Phùng Thị Huệ VĐV bộ môn Vật; Bàng Thị Mai, VĐV bộ môn Wushu tán thủ và Lê Thị Hoa, VĐV bộ môn Boxing… đều phải tập luyện trong điều kiện kham khổ, thậm chí nhiều VĐV không được giới chuyên môn hy vọng, nhưng đã vượt lên được chính mình bằng kết quả thi đấu.
Có thể nói: Thể thao thành tích cao của tỉnh từ chỗ mờ nhạt đã dần trở nên có vị thế. Mờ nhạt vì không có huy chương tại các Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ (Đại hội) I và Đại hội II (Đại hội I tổ chức năm 1985; Đại hội II tổ chức năm 1990). Có vị thế là bởi từ Đại hội III, tổ chức năm 1995, khi đó đang là đội tuyển tỉnh Bắc Thái. Tham dự Giải, tuyển Bắc Thái đã dành được 1 Huy chương Đồng (HCĐ), đứng thứ 47/56 đoàn tham gia. Tấm HCĐ tại Đại hội này đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ những người làm công tác quản lý Nhà nước về thực lực thể thao địa phương. Hơn thế, kết quả này khuyến khích các VĐV của tỉnh vượt qua mặc cảm, tự ty về thể lực, về khả năng thi đấu; đồng thời khẳng định một chân lý: Nếu VĐV Thái Nguyên được quan tâm đào tạo và có thầy giỏi, kết quả thi đấu chắc chắn không kém các tỉnh, thành phố có phong trào thể thao mạnh trên cả nước và nuôi niềm hy vọng cho thể thao Thái Nguyên… Và niềm hy vọng về huy chương đã trở thành hiện thực. Tại Đại hội IV được tổ chức năm 2000, tuyển Thái Nguyên giành được 16 huy chương các loại, trong đó có 2 Huy chương Vàng (HCV), 2 Huy chương Bạc (HCB) và 12 HCĐ. Theo đó, Thái nguyên vượt lên nhiều tỉnh, thành, ngành trên cả nước về thành tích thi đấu, được xếp thứ 32/60 đoàn tham dự. Đặc biệt tại Đại hội V tổ chức năm 2005, tuyển Thái Nguyên vượt trội bất ngờ, vượt lên đứng thứ 7/67 đoàn tham gia bằng thành tích thi đấu cao, đạt tổng số 65 huy chương các loại, trong đó có 16 HCV, 16 HCB và 33 HCĐ.
Với thể thao Thái Nguyên thì đây là kỳ Đại hội mang lại chiến thắng rực rỡ nhất. Cũng nhờ đó mà lãnh đạo các cấp, ngành và người hâm mộ thay đổi suy nghĩ, và bắt đầu có sự quan tâm hơn tới thể thao thành tích cao, nhất là về chế độ dinh dưỡng cho huấn luyện viên, VĐV. Nhưng đến Đại hội VI tổ chức năm 2010, các thầy, trò của làng thể thao Thái Nguyên đã tự làm mất mình bằng kết quả thi đấu cực kỳ yếu kém và từ đứng thứ 7 toàn đoàn ở Đại hội V tụt xuống thứ 26 ở Đại hội VI. Một sự hẫng hụt đối với người hâm mộ. Đáng buồn hơn, tại Đại hội VII, tuyển Thái Nguyên tiếp tục “rớt đài” bằng sụ tụt hạng xuống thứ 35 toàn quốc.
Để không tiếp tục mất điểm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ ra những khó khăn tồn tại, ổn định lại công tác tổ chức, tạo thuận lợi cho huấn luyện viên, VĐV khắc phục khó khăn trong tập luyện và cử VĐV tham gia các mùa giải. Riêng năm 2018, VĐV của tỉnh tham gia thi đấu tại 32 giải thể thao toàn quốc và thế giới. Các VĐV đã giành được 134 huy chương các loại, gồm: 30 HCV, đạt 150% chỉ tiêu; 41 HCB, đạt 136,6% chỉ tiêu; 63 HCĐ, đạt 252% chỉ tiêu; giành 2 Cờ Nhất và 1 Cờ Nhì toàn Đoàn. Tham gia giải thế giới và giải Đông Nam Á, VĐV của tỉnh giành 7 huy chương các loại, gồm 2 HCV; 3 HCB và 2 HCĐ. 65 VĐV đạt đẳng cấp, trong đó 24 VĐV cấp Kiện tướng, đạt 120%; 41 VĐV cấp 1 Quốc gia, đạt 102%. Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh vinh dự cung cấp 17 VĐV cho đội tuyển quốc gia, đạt 106% kế hoạch trên giao.
Thành tích thi đấu của thầy, trò Trung tâm Thể dục thể thao ví như “vị thuốc bổ” kích thích tinh thần thi đấu, tạo sự phấn chấn cho các huấn luyện viên, VĐV bước tiếp vào những mùa giải mới. Tại Đại hội VIII, năm 2018, tuyển của tỉnh có gần 100 VĐV tham dự ở 11/36 môn, với 102/743 nội dung thi đấu. Bằng tinh thần thượng võ, các VĐV của tỉnh đã giành được 31 huy chương các loại, trong đó có 7 HCV, 9 HCB, 15 HCĐ; xếp thứ 21 toàn Đoàn; đứng thứ 2 các tỉnh miền núi toàn quốc. Theo đó, Thái Nguyên từ thứ hạng 35 tại kỳ Đại hội VII, lên hạng thứ 21/65 các tỉnh thành, ngành toàn quốc.
Thể thao thành tích cao của tỉnh đang dần hồi phục lại thứ hạng. Đó là điều người hâm mộ trông đợi. Và mỗi ngày trên sàn tập, mồ hôi của anh chị em huấn luyện viên, VĐV tiếp tục đổ vì danh dự.