Điền kinh Việt Nam thống trị đấu trường SEA Games ở 3 kỳ liên tiếp gần đây và đến lúc cần có sự đầu tư căn cơ, trọng điểm để vươn ra châu lục, thế giới và Olympic.
Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng phát triển thành tích nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật. |
Chưa đột phá thành tích
Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy cho biết ở SEA Games 31 năm rồi, điền kinh Việt Nam đoạt số lượng HCV cao nhất từ trước đến nay là 22 HCV, hơn 10 HCV so với đoàn xếp nhì Thái Lan. Tuy nhiên, thông số thành tích của 22 nội dung đoạt HCV có rất ít nội dung có thể cạnh tranh huy chương châu Á, không có thông số nào đạt chuẩn dự giải vô địch thế giới, chuẩn Olympic Paris 2024. Chưa kể ánh hào quang của điền kinh Việt Nam ở SEA Games bị giảm đi nhiều khi có 5 trường hợp bị phát hiện dương tính với chất cấm.
“Tuy chưa công bố chính thức nhưng những VĐV này vừa qua không được dự Đại hội thể thao toàn quốc nên người trong nghề đều biết. Thật tiếc trong số đó có cả những tên tuổi nổi bật của điền kinh Việt Nam”, ông Dương Đức Thủy cho biết.
Về mặt thành tích SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh sáng giá nhất với 3 HCV các nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m. Trong đó, Oanh phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44. Thành tích này so ra vẫn kém so với thành tích HCV tại ASIAD 2018 là 9 phút 36 giây 52, của HCB là 9 phút 40 giây 03 và thành tích HCĐ của chính Oanh là 9 phút 43 giây 83. Trong khi đó, chuẩn Olympic Paris 2024 của nội dung này là 9 phút 23 giây. Nhà đương kim vô địch ASIAD nội dung nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo (thành tích 6 m 55) chỉ đạt thành tích 6 m 38 ở SEA Games 31 trong khi chuẩn Oympic 2024 ở nội dung này là 6 m 86.
“So sánh thông số thành tích của 2 gương mặt điền kinh hàng đầu Việt Nam cho thấy khoảng cách trình độ từ SEA Games đến ASIAD, Olympic là rất lớn và cần có giải pháp đầu tư đúng hướng”, ông Dương Đức Thủy nói.
Phải đầu tư quyết liệt
Ông Dương Đức Thủy nhận định giải pháp đầu tiên là phải sàng lọc được nội dung thế mạnh, có tiềm năng của điền kinh Việt Nam để đầu tư dài hạn cho ASIAD, Olympic. Quá trình đầu tư có thể tốn 5 - 10 năm, đầu tư quyết liệt từ lớp trẻ, chứ hiện nay chúng ta vẫn còn làm kiểu dàn trải, đầu tư với chu kỳ ngắn hạn. “Nhiều tuyển thủ điền kinh Việt Nam đang bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng hiện chưa có lớp trẻ tài năng thay thế. Ở Đại hội thể thao toàn quốc vừa qua, chúng tôi thấy có tín hiệu khả quan của VĐV 17 tuổi Trần Thị Nhi Yến ở cự ly 100 m nữ. Những viên ngọc thô như Nhi Yến rất hiếm, vì thế cần được đầu tư ngay kẻo mai một”, ông Dương Đức Thủy bày tỏ.
Chuyên gia Lunter Lange trở lại Theo thông tin từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, chuyên gia điền kinh người Đức Lunter Lange dự kiến trở lại Việt Nam làm việc từ tháng 3.2023. Chuyên gia này từng có thời gian hỗ trợ cho tổ cự ly trung bình - dài của điền kinh Việt Nam, trong đó có Trương Thanh Hằng phát triển lên tầm châu lục. Lần trở lại này ngoài hỗ trợ chuyên môn cho tổ cự ly trung bình - dài, ông Lunter Lange còn giúp xây dựng chiến lược đào tạo cho tuyển điền kinh Việt Nam. Trong năm 2023, ngoài tham dự SEA Games, điền kinh Việt Nam còn hướng đến các giải đấu lớn là ASIAD Hàng Châu… |
Trở ngại lớn của điền kinh Việt Nam vẫn là kinh phí đầu tư. Là môn nhóm 1 nhưng mỗi năm điền kinh được đầu tư chưa tới 5 tỉ đồng nên không đủ trang trải cho rất nhiều hoạt động, từ đó chi phí cho việc tập huấn, thi đấu cũng bị hạn chế.
Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng cần năng động hơn trong công tác xã hội hóa thể thao để có thêm nguồn tài chính hỗ trợ cho các tài năng. Ngoài ra, trình độ HLV điền kinh Việt Nam vẫn còn hạn chế, việc áp dụng khoa học thể thao vào huấn luyện cũng chưa tốt…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin