VAR với bóng đá Việt Nam: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

Anh Khoa 14:08, 05/05/2024

U23 Việt Nam kết thúc hành trình bằng tấm thẻ đỏ của Mạnh Hưng phút thứ 90+1 trong trận tứ kết với Iraq. Trước đó, với tình huống vỗ nhẹ vào tiền đạo đối phương phút thứ 61 của thủ môn Quan Văn Chuẩn và VAR vào cuộc, chúng ta phải chịu quả phạt đền. Một lần nữa, VARnỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam lại được dư luận đặc biệt quan tâm.

Màn trình diễn của Minh Khoa (số 6), tiền đạo Vĩ Hào và trung vệ Lê Nguyên Hoàng đem lại nhiều niềm tin nơi người hâm mộ (Ảnh VFF).

Ở giải lần này, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn có tới 2 lần phải nhận thẻ đỏ và 2 quả phạt đền khi VAR vào cuộc. Kết quả chúng ta thua U23 Iraq 1-0 cũng không có gì phải buồn. Bởi thực tế, đối thủ mạnh hơn dù thế trận mà U23 Việt Nam tạo ra là rất tốt. Ở trận ra quân, U23 Việt Nam nắm lợi thế khi U23 Kuwait thi đấu thiếu người từ phút thứ 31. Đến phút thứ 45+2, U23 Việt Nam đã vượt lên bằng bàn thắng của Văn Tùng. Nhưng sau đó chỉ 01 phút, Ngọc Thắng đã phải nhận thẻ đỏ cùng quả phạt đền cho U23 Kuwait bởi lỗi kéo người.

Trở lại tình huống phạm lỗi của Ngọc Thắng trong trận gặp Kuwait, nhiều người cho là quá thiếu chuyên nghiệp và non nớt. Còn động tác ra bắt bóng của Quan Văn Chuẩn dẫn đến quả phạt đền, cả giới chuyên môn và người hâm mộ đều nhận định U23 Việt Nam bị thổi phạt là quá nặng. Thực tế, nếu tình huống này xảy ra ở V-League trọng tài sẽ không thổi phạt đền. HLV Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, có lẽ VPF muốn vươn tới bóng đá đẹp, bởi vậy kỷ luật thi đấu là rất nghiêm khắc.

Không riêng ở giải U23 châu Á 2024, VAR đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các đội tuyển của bóng đá Việt Nam ở những giải quốc tế. Theo thống kê, tuyển Việt Nam nhận đến 7 quả phạt đền trong 14 trận đấu có VAR ở Asian Cup 2019, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và Asian Cup 2023. 6 trong 7 quả phạt đền khi trọng tài check VAR đều là bàn thắng quyết định, thay đổi cục diện trận đấu.

Trưởng ban kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành từng phát biểu rằng: Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, chúng ta càng thấy rõ hơn một thực tế là có những tình huống khi cầu thủ phạm lỗi, trọng tài không bắt thì đã có VAR bắt. Không qua mặt được VAR. Vậy thì các CLB phải rèn cho cầu thủ tránh phạm lỗi.

Rõ ràng VFF đã nhìn ra vấn đề và nỗ lực để đưa VAR vào các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Đồng thời, bằng nhiều giải pháp từ tập huấn trọng tài đến yêu cầu xử lý nghiêm các “động tác thừa” trong bóng đá. Tuy nhiên, chỉ sự nỗ lực của VFF là không đủ… Mấu chốt phải từ các cầu thủ và Ban huấn luyện các đội bóng cần nghiêm túc thay đổi tư duy chơi bóng. Vào sân là để chơi bóng, thứ bóng đá đẹp chứ không phải dùng tiểu xảo với đối phương dù có VAR hay không. Công tác đào tạo bóng đá trẻ cũng cần phải nghiêm khắc nhìn lại việc rèn luyện tư duy, kỹ năng, thái độ thi đấu cho các cầu thủ. Có như vậy, VAR mới không còn là nỗi khổ của bóng đá Việt Nam.