Hỗ trợ làm nhà văn hóa: Cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc

Chung An 09:45, 02/04/2024

Sau khi tiến hành sáp nhập xóm, tổ dân phố (TDP), trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã xảy ra tình trạng nhà văn hóa không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng trên, thành phố đã áp dụng theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 10/5/2023 của HĐND tỉnh, quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa - khu thể thao xóm, TDP (Nghị quyết 03), giai đoạn 2023-2025. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ.

Việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xin kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng mới, sửa chữa nhà văn hóa có khó khăn, vướng mắc (ảnh minh họa). 
Việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xin kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng mới, sửa chữa nhà văn hóa có khó khăn, vướng mắc (ảnh minh họa). 

Nhà văn hóa TDP 6, phường Tân Thịnh, được xây dựng từ năm 2008, nay đã xuống cấp. Hơn nữa, diện tích 120m2 không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của 200 hộ dân trong tổ. Chính vì vậy, người dân đã bàn bạc, thống nhất cải tạo khu nhà thể thao thành hội trường nhà văn hóa, với kinh phí dự trù khoảng 444 triệu đồng. Trong đó, vốn huy động của người dân 244 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn khác.

Với kế hoạch trên, ngay khi tỉnh, TP. Thái Nguyên có chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, TDP 6 đã phối hợp với UBND phường Tân Thịnh xây dựng phương án để xin cấp kinh phí. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều vướng mắc.

Ông Mai Khắc Chiến, Bí thư Chi bộ TDP 6, cho biết: Theo quy định, để được Nhà nước cấp kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thì phải thực hiện theo Luật Đầu tư công và các luật liên quan. Tức là TDP, UBND các xã, phường thực hiện các bước từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án, hồ sơ thiết kế, bản vẽ, lựa chọn nhà đầu tư... rất phức tạp. Hơn nữa, qua tính toán của chúng tôi, các chi phí khi thực hiện theo quy định mất khá nhiều, ngang với số tiền mà Nhà nước hỗ trợ nên bà con rất băn khoăn. Trường hợp khó khăn về thủ tục, không xin được vốn hỗ trợ, chúng tôi phải tìm nguồn kinh phí khác.

Ý kiến của bà con ở TDP 6, phường Tân Thịnh, cũng là trăn trở của nhiều xóm, TDP khác trên địa bàn TP. Thái Nguyên thời gian qua. Qua tìm hiểu của phóng viên, thực hiện chủ trương này, có những xóm, TDP đã tháo dỡ nhà văn hóa, thu tiền đóng góp của người dân nhưng khi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan thì lại ở cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Tổ trưởng TDP 14, phường Quang Trung, thông tin: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí khi thực hiện Luật Đầu tư công trong việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa bởi sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu có thể, Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét hỗ trợ nhân dân ở một số thủ tục như: thiết kế, thẩm định thiết kế... để giảm chi phí.

Liên quan đến việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm, TDP, TP. Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển thiết chế văn hóa giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Đề án là xây dựng, tổ chức hoạt động nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Theo đó, thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 300 nhà văn hóa xóm, TDP... Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ trên 60 tỷ đồng.

Theo quy định, những nhà văn hóa xây dựng mới trên địa bàn TP. Thái Nguyên sẽ được Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng/nhà; sửa chữa được hỗ trợ 150 triệu đồng/nhà.
Theo quy định, những nhà văn hóa xây dựng mới trên địa bàn TP. Thái Nguyên sẽ được Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng/nhà; sửa chữa được hỗ trợ 150 triệu đồng/nhà.

Căn cứ Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, TP. Thái Nguyên đã triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa với mức 250 triệu đồng/nhà; sửa chữa, cải tạo là 150 triệu đồng/nhà. Việc hỗ trợ này được thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, khi triển khai cơ chế hỗ trợ về các xóm, TDP lại gặp khó khăn, nhân dân không đồng thuận. Người dân cho rằng trình tự, thủ tục đầu tư kéo dài và phức tạp. Dự toán khi áp dụng các luật theo quy định hiện hành bị tăng khoảng 26% giá trị công trình, bởi các chi phí, như: Lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; thẩm tra; tổ chức lựa chọn nhà thầu... Như vậy, nếu nhà văn hóa xây dựng có giá trị 1 tỷ đồng thì chi phí liên quan sẽ khoảng 260 triệu đồng, cao hơn mức hỗ trợ của Nhà nước cho nhân dân.

Chính những khó khăn trên, nhiều xóm, TDP trên địa bàn các xã, phường của TP. Thái Nguyên đã xin rút, không đăng ký nguồn hỗ trợ từ Nhà nước để xây dựng nhà văn hóa. Đơn cử như các phường: Gia Sàng, Trung Thành... Qua số liệu thống kê, năm 2024, tổng số nhà văn hóa xóm, TDP đăng ký xây mới trên địa bàn TP. Thái Nguyên là 31 nhà (giảm 8 nhà so với kế hoạch); sửa chữa là 85 nhà (giảm 23 nhà so với kế hoạch).

Liên quan đến nội dung này, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân các xóm, TDP có nhu cầu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; có thể lồng ghép các nguồn hỗ trợ hợp pháp; tìm giải pháp phù hợp để giảm chi phí liên quan.

Có thể nói, việc được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa là niềm mong mỏi bấy lâu của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng. Trước thực trạng trên, các cơ quan chuyên môn cần sớm xem xét, có giải pháp tháo gỡ để nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.