Hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh gây hại trên diện rộng ở trà lúa mùa sớm, mùa trung, mật độ rầy trung bình 500 – 1.000 con/m2, nơi cao 2.000 – 4.000 con/m2, cá biệt có nơi 7.000 – 8.000 con/m2 như ở Phổ Yên, Phú Bình…
Diện tích nhiễm khoảng 4.000 ha, chiếm gần 10% trong tổng diện tích gieo cấy lúa mùa của toàn tỉnh. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, nắng xen kẽ mưa rất thuận lợi cho rầy tăng khả năng gây hại, nếu không tích cực phòng, trừ sẽ gây cháy rầy trên trà lúa mùa sớm, mùa trung vào giữa tháng 9 nếu không được phòng, trừ kịp thời. Để hạn chế thiệt hại do rầy gây ra, Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã yêu cầu Trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện và thông báo kịp thời diễn biến của rầy; chủ động tham mưu với chính quyền địa phương các biện pháp phòng, trừ; phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Với diện tích lúa đang làm đòng, trỗ bông, nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như: Admire 050EC; Actara 25WG, Chess 50WG, Midan 10WP. Diện tích lúa ở giai đoạn sau trỗ (chắc xanh đến chín), sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc: Victory 585EC, Bassa 50EC, Dragoannong 585EC, Sairifos 585EC. Khi sử dụng các loại thuốc này yêu cầu phải rẽ lúa thành băng, mỗi băng từ 0,5 - 0,6m và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại, sau khi phun 2-3 ngày cần kiểm tra lại. Ở diện tích sắp được thu hoạch, nếu mật độ rầy tăng cao và phát triển nhanh nên áp dụng biện pháp “gặt chạy”, tránh sử dụng thuốc BVTV quá mức cần thiết.