Hội thảo "Mô hình sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ bền vững"

15:27, 30/08/2011

Ngày 30-8, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội thảo Dự án "Mô hình sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ bền vững" nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án trong thời gian qua.

Dự án "Mô hình sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ bền vững" được tổ chức Agriterra (Hà Lan) tài trợ trực tiếp cho Hội Nông dân tỉnh, triển khai tại 4 xã gồm: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (TP Thái Nguyên) và La Bằng (Đại Từ) được tỉnh quy hoạch là vùng sản xuất chè đặc sản và đã được đăng ký chỉ giới địa lý chè Tân Cương, chè La Bằng với trên 1.600ha chè và gần 8.000 hộ tham gia. Mục tiêu của Dự án là nâng cao tính cộng đồng, chuyên môn hoá của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn; tạo đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng chè; dần hình thành và phát triển làng nghề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè đặc sản an toàn theo hướng bền vững. Để triển khai thực hiện, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức tập huấn cho 120 chi hội trưởng, phó các chi hội nông dân trong 4 xã với nội dung: Nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, chế biến chè an toàn; cách thức tổ chức, điều hành hoạt động của các chi hội nông dân gắn với sản xuất và chế biến chè an toàn; nâng cao kỹ năng và phương pháp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chế biến chè an toàn, đưa ra giải pháp gắn các CLB sản xuất và chế biến chè an toàn với các chi hội nông dân... Qua đó, năng lực sản xuất, chề biến chè an toàn của người dân trong vùng dự án được nâng lên rõ rệt, số phụ nữ tham gia các lớp tập huấn và các tổ hợp tác tăng 8% so với kế hoạch. Mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn được nhân rộng trong cộng đồng, sản lượng chè an toàn hiện nay tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Ban quản lý Dự án cũng đã phối hợp với các địa phương thành lập 18 mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè an toàn với 180 thành viên tham gia. Chất lượng sản phẩm của các tổ hợp tác tương đối ổn định. Thu nhập của các thành viên tăng từ 5% đến 10% do giá bán sản phẩm chè an toàn tăng từ 7% đến 12% so với trước khi tham gia tổ hợp tác…

 

 Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Dự án. Các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất với mục tiêu của Dự án trong thời gian tiếp theo là "Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ chè an toàn Thái Nguyên". Ban quản lý Dự án sẽ tiếp tục phát triển các tổ hợp tác hiện tại thành Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn Thái Nguyên; nâng cao khả năng quản lý chất lượng sản phẩm chè an toàn của Hợp tác xã và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm... Đồng thời sẽ có các hoạt động cụ thể như: đăng ký và chứng nhận chất lượng (tiêu chuẩn VietGAP) để nâng cao giá trị tiêu thụ sản phẩm chè đặc sản của Thái Nguyên; hỗ trợ ban đầu về nguồn lực cho Hợp tác xã trong việc kiểm định chất lượng sản phẩm và đăng ký mã vạch cho 100% sản phẩm chè an toàn; đào tạo đội ngũ quản lý chất lượng sản phẩm chè an toàn cho hợp tác xã...