Nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường

15:56, 13/08/2011

Từ trước đến nay, ô nhiễm môi trường trong các hoạt động luyện kim luôn là vấn đề nan giải, được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian gần đây với sự đòi hỏi bức thiết của toàn xã hội, ý thức về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm trong các cơ sở luyện kim đã được nâng lên rõ rệt. Ghi nhận của chúng tôi tại một số cơ sở từng là điểm nóng về môi trường cho thấy rõ điều này.

Như chúng ta đã biết, Thái Nguyên là cái nôi của ngành luyện kim cả nước với hàng chục cơ sở sản xuất gang, thép lớn nhỏ trên địa bàn. 5 năm trước, ở tỉnh ta có tới 8 đơn vị bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, công bằng mà nói, chúng ta còn chưa thật sự chú ý đến vấn đề xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khiến một thời gian dài cuộc sống của người dân trong khu vực phải chịu những tác động xấu. Không ít nhà máy luyện kim gây ô nhiễm môi trường phải dừng sản xuất giữa chừng vì những phản ứng gay gắt của người dân. Nhiều đơn vị không thể thi công mở rộng sản xuất và làm ăn ổn định cũng bởi chưa quan tâm đến xử lý ô nhiễm môi trường… Nhận thấy đây là vấn đề bức thiết không chỉ đối với một địa phương, một quốc gia mà là vấn đề toàn cầu, nên thời gian gần đây các chủ cơ sở luyện kim trong tỉnh đã bắt đầu chú ý nhiều hơn và có trách nhiệm cao đối với môi trường.

 

Khu công nghiệp Gang thép hiện đang sở hữu cả một hệ thống các nhà máy với những dây chuyền sản xuất khép kín từ luyện cốc, luyện fero đến nấu gang, luyện thép rồi cán thép. Có một thời gian dài không ít cơ sở luyện kim tại đây đã buông lỏng vấn đề xử lý môi trường nên qua kiểm tra hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn cho phép, một số còn nằm danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự quan tâm đúng mức của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và các đơn vị thành viên đã giúp từng bước cải thiện môi trường tại đây. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Bộ, Phó Phòng Kỹ thuật - Cơ điện (Nhà máy Cán thép Lưu Xá) cho biết: Chúng tôi luôn ý thức rằng, ô nhiễm môi trường sản xuất càng được giảm thiểu bao nhiêu thì sức khoẻ của chính người lao động làm việc trong môi trường đó được đảm bảo bấy nhiêu. Chúng tôi đã đưa vấn đề quản lý, xử lý môi trường vào bài kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần đối với cán bộ, công nhân trong toàn Nhà máy. Bất kể ai vi phạm cũng đều bị xử lý nghiêm… Về xử lý nước thải, từ tháng 10-2010, Nhà máy đưa vào vận hành bể nước tuần hoàn dung tích 1.200m3, giá trị đầu tư 2,5 tỷ đồng thay thế cho bể nước dung tích nhỏ, hệ thống lắng, lọc chưa thật sự đảm bảo trước đây. Qua đó, tiết kiệm được một lượng đáng kể nguồn nước sản xuất, đặc biệt là không có nước thải ra môi trường. Đối với khí thải, từ năm 2000, Nhà máy đầu tư tăng cường thêm bộ phận sấy dầu, giúp cho nhiệt độ dầu kết hợp với gió nóng tăng từ 1200C lên 4000C, tiêu hao 32kg dầu/tấn sản phẩm. Như vậy, lượng dầu tiêu hao ít đi do dầu được đốt cháy hoàn toàn, khí thải vì thế cũng thấp hơn nhiều so với quy định. Ngoài ra, Nhà máy đã thực hiện rất nghiêm túc việc thu gom, xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Nhà máy còn quan tâm đến việc cải tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên trong khuôn viên nhằm cân bằng sinh thái. Với sự quan tâm đầu tư xử lý hiệu quả đó, Nhà máy đã chính thức được công nhận không còn nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, Nhà máy được Tổng Công ty thép Việt Nam công nhận là “Nhà máy công viên”…

 

Nằm trong khuôn viên Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá cũng được công nhận ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường của mình. Năm 2001, Nhà máy đầu tư hệ thống lọc bụi bằng túi vải với kinh phí trên 8 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất. Đến năm 2008, Nhà máy tiếp tục đầu tư thêm hệ thống lọc bụi thứ hai, công nghệ hiện đại, kinh phí trên 24 tỷ đồng. Cùng với đó, Nhà máy còn đầu tư hệ thống vận hành nước tuần hoàn làm nguội thiết bị, bảo đảm nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép. Phó Giám đốc Nhà máy, ông Đào Bé cho hay, trong quá trình vận hành hệ thống xử lý môi trường, đơn vị đã áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả, ví dụ như: Túi lọc bụi trước đây có độ chịu nhiệt thấp, nhanh hỏng lại kém hiệu quả, nay được thay thế bằng túi lọc chịu nhiệt cao hơn nên khả năng xử lý ô nhiễm tốt hơn. Qua các lần kiểm định, quan trắc môi trường hàng năm, những thông số đầu ra về môi trường đều đạt tiêu chuẩn cho phép.

 

Cùng với hai nhà máy trên, các đơn vị luyện kim nằm trong Khu công nghiệp Gang thép như: Nhà máy Cán thép Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Hợp kim sắt, Nhà máy Luyện gang, Công ty Cổ phần Vật liệu chịu lửa… cũng đang nỗ lực đầu tư dây chuyền xử lý khói, bụi, nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cũng phải ghi nhận sự quan tâm cải thiện môi trường của không ít cơ sở luyện kim khác trên địa bàn tỉnh. Điển hình là: Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng, Công ty Cổ phần gang thép Gia Sàng, Nhà máy luyện xỉ titan Cây Châm, Nhà máy kẽm Việt Bắc, Công ty Cổ phần cán thép Thái Nguyên…

 

Theo đánh giá chuyên môn thì khó có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở các cơ sở luyện kim, song thực tế vẫn có thể giảm tới mức tối đa tác động của nó ra bên ngoài một khi những người đứng đầu các cơ sở đó nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ. Trong khi không ít đơn vị, doanh nghiệp luyện kim trên địa bàn đang nỗ lực từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường thì lại có một số cơ sở xem nhẹ vấn đề đang được toàn cầu quan tâm này. Chúng tôi cho rằng, đối với những cơ sở làm tốt việc xử lý, ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất phải được Nhà nước đặc biệt quan tâm, lấy đó làm điển hình để  biểu dương và là mô hình điểm cho các đơn vị khác học tập. Còn đối với những đơn vị cố tình gây ô nhiễm cần phải được xử lý nghiêm. Tất cả vì mục tiêu tạo môi trường trong lành hơn cho xã hội.