Thực hiện các chuyên đề trong hoạt động của tổ chức Công đoàn

14:27, 17/08/2011

Đó là cách làm của tổ chức Công đoàn Nhà máy luyện thép Lưu Xá (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đã thực hiện để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, làm tốt chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thực hành tiết kiệm, giảm chi phí tiêu hao trong sản xuất kinh doanh để giảm giá thành sản phẩm là yếu tố sống còn của các đơn vị sản xuất kinh doanh nói chung. Nhận thức được điều đó, Nhà máy đã phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng phôi thép của Nhà máy. Đồng chí Nguyễn Minh Hạnh, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy cho biết: Được sự nhất trí của Đảng ủy, lãnh đạo Nhà máy, tổ chức Công đoàn đã triển khai các hội nghị chuyên đề với nội dung phù hợp với từng công đoàn bộ phận, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm của Nhà máy, đảm bảo uy tín, sức cạnh tranh của thương hiệu thép TISCO trên thị trường. Cụ thể: Chuyên đề về giảm chi phí tiêu hao vật tư, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng phôi thép tại Công đoàn Phân xưởng Công nghệ (tỷ lệ phế phẩm là 0,99/1,2% định mức cho phép); Chuyên đề về tiết kiệm vật tư phụ tùng, sửa chữa thiết bị tại Công đoàn Phân xưởng Cơ điện. Chuyên đề về gia công, chuẩn bị liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất tại Công đoàn Phân xưởng Nguyên liệu. Chuyên đề về công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà máy với Đội bảo vệ, tự vệ… Khi các chuyên đề được triển khai đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức (CNVC) và nâng cao ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện từ những cán bộ lãnh đạo, quản lý đến người lao động trực tiếp. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực như: tổ chức rà soát các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và giao khoán đối với từng phân xưởng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đảm bảo sản xuất ổn định, hiệu quả; gắn quy chế tăng giảm thu nhập với sản xuất của từng bộ phận. Đặc biệt là các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí điện năng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty với 23 lần giảm tải, tổng thời gian gần 8 nghìn phút…

 

Cùng với việc thực hiện các chuyên đề gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng xưởng sản xuất, Công đoàn Nhà máy còn duy trì tốt phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và phân công 1 đồng chí trong Ban Thường vụ Công đoàn  phụ trách mạng lưới sáng kiến để phối hợp với chuyên môn xây dựng cơ chế hỗ trợ các tập thể, cá nhân thực hiện các sáng kiến, đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Hàng năm, Công đoàn Nhà máy thường xuyên tiến hành khen thưởng, động viên các tập thể và cá nhân có nhiều sáng kiến mang tính thực tiễn cao, áp dụng vào thực tế sản xuất. Số lượng sáng kiến cũng là một tiêu chí để xét thi đua 6 tháng và cả năm của các công đoàn bộ phận. Để khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, đối với những sáng kiến cải tiến hoặc đề tài lớn được Công đoàn Nhà máy hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức thực hiện. Do đó, phong trào phát huy sáng kiến được các đoàn viên công đoàn tích cực tham gia. Chỉ tính trong năm 5 năm đây (2006-2010), Nhà máy đã có 237 sáng kiến được áp dụng với giá trị làm lợi trên 4,3 tỷ đồng, trong đó có 3 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp Công ty; 12 tập thể và 14 cá nhân được Tổng Công ty Thép tặng Bằng khen; 15 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, 8 cá nhân được LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen…

 

 Một hoạt động nữa được tổ chức Công đoàn Nhà máy quan tâm thực hiện hàng năm đó là tổ chức thao diễn kỹ thuật, thi chọn CNVC lao động giỏi cấp Nhà máy, lựa chọn đội thi tham gia cấp Công ty. Qua các đợt thao diễn, trình độ tay nghề của đội ngũ người lao động được nâng lên; Nhà máy được Hội đồng thi chọn CNVC lao động của Công ty công nhận tập thể đạt danh hiệu loại giỏi; giá trị làm lợi của các đợt thi đua thao diễn kỹ thuật trong 5 năm qua đạt trên 16 tỷ đồng…

 

Phát huy vai trò tổ chức Công đoàn quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, Công đoàn Nhà máy đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ tết, bình quân mỗi năm tặng khoảng 1 nghìn suất quà cho CNVC, lao động; tổ chức cho người lao động đi tham quan, nghỉ mát vào dịp hè; phối hợp chăm lo bữa ăn giữa ca cho người lao động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ định lượng, dinh dưỡng. Mạng lưới an toàn viên có 74 người là tổ trưởng công đoàn các tổ sản xuất nên rất thuận lợi trong việc triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các khu vực sản xuất, các tổ đều nghiêm túc chấp hành việc ký cam kết đảm bảo an toàn khi lên ca, có sổ giao nhận sau mỗi ca… Được biết, mỗi năm Nhà máy dành kinh phí hàng tỷ đồng cho công tác bảo hộ lao động, như năm 2010 đã dành trên 4 tỷ đồng cho các biện pháp bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, trang bị bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe của người lao động…

 

 

Các phong trào hoạt động tổ chức công đoàn Nhà máy Luyện thép Lưu Xá đã và đang triển khai thực hiện góp phần quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị trong năm 2011 là sản xuất 380 nghìn tấn phôi thép, tạo việc làm cho trên 800 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng…