Tiêp tục chương trình làm việc, chiều 13-9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Bắc do đồng chí Dương Đình Hân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn và đại diện các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Nông nghiệp & PTNT, Y tế, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc miền núi đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Phạm Xuân Đương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Dương Ngọc Long đã thay mặt lãnh đạo tỉnh báo cáo những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Sau khi nghe báo cáo, các thành viên đoàn công tác đã đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ thêm một số vấn đề như: Kết quả mở rộng Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên và quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; quy hoạch phát triển vùng cây công nghiệp phục vụ cho hoạt động chế biến nông lâm sản; kết quả chuyển đổi mô hình nông trường, lâm trường quốc doanh; vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới; chủ trương và những hỗ trợ của tỉnh trong việc xây dựng trung tâm đào tạo, y tế của vùng; những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng… Các ngành của tỉnh đã làm rõ được những vấn đề mà thành viên đoàn công tác yêu cầu. Đặc biệt đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổng hợp tương đối toàn diện những thành tựu về kinh tê - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong 6 năm qua và những định hướng của tỉnh từ nay đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020. Về phần đề xuất, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều khẳng định Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị là chủ trương lớn, vô cùng đúng đắn để giúp các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có cơ hội, điều kiện để phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh ở đồng bằng. Cùng đó là tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng của cả nước. Do vậy, đề nghị Trung ương tiếp tục duy trì, nâng cấp chủ trương trên thành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đối với Thái Nguyên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiến nghị Trung ương nên đặc biệt quan tâm phân bổ nguồn vốn giúp tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 37 đã đề ra; hỗ trợ về cơ chế chính sách để tỉnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại nhanh hơn; đẩy nhanh các dự án về giao thông huyết mạch để Thái Nguyên tiếp cận được với các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc; hỗ trợ tỉnh xây dựng hoàn thiện về đào tạo, y tế…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Thái Nguyên 6 năm thực hiện Nghị quyết số 37 đều đạt, vượt so với mục tiêu đề ra nên đã khẳng định được tính ưu việt của chủ trương và sự nghiêm túc, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong tỉnh khi triển khai Nghị quyết. Những kiến nghị, đề nghị của tỉnh sẽ được các thành viên trong đoàn công tác tổng hợp để hoàn thiện báo cáo chung cho cả vùng trình lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị để xem xét giải quyết khi xây dựng nghị quyết mới hoặc có kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 trong nhiệm kỳ mới.
*Trước đó, sáng 13-9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có buổi làm việc với Thành ủy T.P Thái Nguyên. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, UBND và các ban, ngành của T.P…
Đến nay, sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2005-2010 đạt 14,6% (cao hơn giai đoạn 2001 – 2005 là 3,07%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, giảm tỷ lệ ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 1,81 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,95%; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 25 triệu đồng/năm 2005 lên 64 triệu đồng/1ha năm 2010; giá trị sản phẩm trên 1ha cây chè, cây ăn quả tăng từ 45 triệu đồng/1ha năm 2005 lên 84 triệu đồng/1ha năm 2010. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2010 đạt trên 7.620 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2005; GDP bình quân đầu người tăng từ 11,7 triệu đồng/người/năm 2005 lên 30 triệu đồng/người/năm 2010.
Bộ mặt nông thôn đã có những biến đổi rõ nét, kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Tổng mức đầu tư của các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và phát triển hạ tầng đô thị, giáo dục - đào tạo, y tế. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%, diện tích sàn nhà ở bình quân trong khu vực nội thị đạt 14,2 m2/người. Các chương trình quốc gia về y tế tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả, hiện đã có 18/28 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về Y tế; 85% số hộ dân của thành phố có nước sạch để sử dụng. Năm 2010, T.P Thái Nguyên được Chính phủ công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh…
Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, về định hướng phát triển của Thành phố trong thời gian tới, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Tây Bắc và đại diện các Bộ, ngành tham gia đoàn công tác đã đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến, trao đổi về những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện nghị quyết và giải đáp một số vấn đề liên quan đến các bộ, ngành. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Đình Hân nhấn mạnh: Theo tinh thần Nghị quyết số 37 thì T.P Thái Nguyên được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch, xác định rõ quy mô, xây dựng chiến lược phát triển đô thị bền vững về kinh tế, xã hội; chú trọng giải quyết các vấn đề về môi trường sống, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh đô thị; thu hút nhân tài để phát triển trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng là đô thị trung tâm của vùng.