Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Sản xuất chè theo hướng VietGAP

14:39, 23/09/2011

Ngày 23-9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ nông nghiệp & PTNT) đã tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Sản xuất chè theo hướng VietGAP" tại thành phố Thái Nguyên.

Hiện nay, xu hướng áp dụng GAP đã phát triển rộng khắp toàn cầu. Mỗi quốc gia, khu vực đều xây dựng tiêu chuẩn GAP riêng như: AsianGAP, GlobalGAP, ChinaGAP (Trung Quốc), JGAP (Nhật Bản), IndiaGAP (Ấn Độ), KenyaGAP (Ken-ni-a)... Khái niệm GAP đã du nhập vào nước ta từ nhiều năm trước, tuy nhiên việc xây dựng thành tiêu chuẩn, ban hành thành quy trình mới chỉ được quan tâm từ năm 2008 và bước đầu áp dụng cho 3 đối tượng chính là rau, quả, chè.

 

Tại Thái Nguyên, năm 2009, Sở Nông nghiệp &PTNT đã tổ chức thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP tại HTX Tân Thành, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ với diện tích 8,7 ha gồm 20 hộ tham gia. Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hoá Nông nghiệp là đơn vị giám sát chứng nhận sản phẩm. Sau thời gian tổ chức giám sát, 20 hộ dân này đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện nay, 20 hộ này vẫn duy trì đúng các quy định trong quy trình sản xuất, ban quản lý HTX thực hiện tốt hoạt động thanh tra, giám sát nội bộ. Sản phẩm chè của HTX ngày càng được quảng bá rộng rãi trên thị trương, có nhiều khách hàng đến đặt mua. Giá trị sản phẩm chè sản xuất theo quy trình VietGAP bước đầu tăng từ 10 - 15% so với giá chè sản xuất thông thường tại địa phương.

 

Để mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn có chứng nhận VietGAP, năm 2011, Sở Nông nghiệp &PTNT tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình cho 3 nhóm hộ gồm: nhóm 13 hộ tại xóm Hồng Thái (xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên) với diện tích 5 ha; nhóm 8 hộ của xóm Làng Chủ (xã Trung Hội, huyện Định Hoá) diện tích 2,7 ha; nhóm 19 hộ ở xóm Hương Hội (xã Sơn Phú, huyện Định Hoá) với diện tích 5 ha. Dự kiến cuối tháng 9/2011 sẽ cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho cả 3 nhóm trên.

        
Quá trình thực hiện giám sát, chứng nhận VietGAP tại tỉnh còn gặp một số những khó khăn như: diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP không tập trung mà phân tán ở nhiều khu sản xuất, khoảng cách giữa các khu vực lại quá xa nên việc giám sát chéo giữa các hộ trong quá trình chăm sóc chè gặp nhiều khó khăn; khu vực bảo quản và chế biến chè chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, sản phẩm chè không được chế biến tập trung mà được thực hiện tại mỗi gia đình; việc tiêu thụ sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP còn hạn chế; người sản xuất chè có thói quen lâu đời là không ghi chép nhật ký công việc hàng ngày và hay vứt vỏ bảo thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng một cách bừa bãi...

        

Tại diễn đàn, các đại biểu đã giải đáp nhiều ý kiến của những hộ dân trồng chè trong tỉnh về các vấn đề như: công nghệ và thiết bị sản xuất chè an toàn; phương pháp thu hái chè, vò chè, sao chè; những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo hướng VietGAP; áp dụng biện pháp IPM trong phòng trừ sâu bệnh hại chè; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch chè; cách sử dụng nước tưới cho cây chè; kỹ thuật hái, đốn chè; phương pháp ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm...

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.