Giám sát công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng cán bộ theo hình thức cử tuyển

18:02, 23/09/2011

Ngày 23-9, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng đoàn đã tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh và Trường Đại học Thái Nguyên về công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng cán bộ theo hình thức cử tuyển. Tham dự có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị chức năng.

Tại UBND tỉnh, Đoàn đã nghe báo cáo về công tác này trong thời gian qua. Theo đó, từ năm 2006 -2010, tỉnh đã cử 109 học sinh theo học chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thuộc các ngành nghề khác nhau. Quá trình tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, công khai, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, vùng tuyển, thứ tự ưu tiên trong xét tuyển. Kinh phí đào tạo cử tuyển trong 3 năm qua đạt trên 4,5 tỷ đồng...

 

Về công tác sử dụng học sinh cử tuyển, đến nay tỉnh tiếp nhận và bàn giao về các huyện là 57 hồ sơ, tuy nhiên vấn đề bố trí việc làm cho các em gặp nhiều khó khăn, chưa có chính sách ưu tiên con em dân tộc thiểu số tốt nghiệp về công tác ở địa phương. Do hiện nay việc tuyển công chức từ cấp xã, huyện, tỉnh đều thực hiện thông qua thi hoặc xét tuyển đặc biệt nên nếu địa phương đưa ra ưu tiên tuyển dụng thẳng sẽ phạm Luật Cán bộ, công chức. Mặt khác, một số xã đặc biệt khó khăn, khi cử con em đi học hệ cử tuyển, sau khi trở về địa phương thì do biến động về biên chế, cũng như vị trí chuyên môn được đào tạo nên không sắp xếp được việc làm...

 

Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị một số vấn đề: Đề nghị các bộ, ngành chức năng có liên quan nên đưa ra chế độ tuyển dụng công chức, viên chức riêng đối với các đơn vị đóng tại các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời có cơ chế, chính sách cụ thể đối với người được cử đi đào tạo hệ cử tuyển về làm việc tại các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, khuyến khích động viên người trẻ tuổi, có trình độ về làm việc tại các vùng này...

 

Tại Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), theo báo cáo của nhà trường, trong 5 năm qua, ĐHTN đã tiếp nhận 1.323 học sinh thuộc 39 dân tộc của 23 địa phương, đơn vị gửi đào tạo ở bậc đại học. Sinh viên cử tuyển được các nhà trường quan tâm đầy đủ, tạo thuận lợi trong học tập, sinh hoạt, được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định. Về kết quả học tập, nhìn chung các sinh viên cử tuyển có khả năng tiếp thu hạn chế, nhận thức chậm nên kết quả thấp hơn mức trung bình của sinh viên tại các đơn vị đào tạo.

 

ĐHTN cũng kiến nghị những khó khăn từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 134 thì ĐHTN hoàn toàn bị động về công tác đào tạo cử tuyển, kể cả về số lượng và ngành nghề đào tạo. Trước đây, Bộ Giáo dục giao chỉ tiêu từ đầu năm nên nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch. Sau khi thực hiện Nghị định 134, ĐHTN phải chờ các địa phương gửi hồ sơ đến mới biết số lượng học sinh được cử đi học, ngành nghề cần đào tạo. Thêm nữa, trước Nghị định 134, hàng năm Bộ Giáo dục cấp kinh phí theo chỉ tiêu giao cho nhà trường. Còn sau khi thực hiện Nghị định 134, các địa phương chỉ chi trả học phí, không chi trả kinh phí đào tạo, do vậy ĐHTN đóng ở địa bàn miền núi, phục vụ đào tạo cho các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn...

 

Đồng chí Triệu Thị Nái đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các đơn vị để chuyển đến cấp có thẩm quyền xem xét.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.