Lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Đo lường

17:10, 19/09/2011

Ngày 19-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp với các thành viên trong Đoàn, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Luật Đo lường.

Luật Đo lường gồm 9 chương, 56 điều; Luật  quy định về hoạt động đo lường, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường; đối tượng áp dụng là với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường Việt Nam.

 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia đóng góp 11 ý kiến. Nhìn chung, các ý kiến đã tập trung thảo luận về bố cục các Điều trong dự thảo Luật; đề nghị chỉnh sửa một số câu, từ ngữ chính xác hơn. Luật Đo lường quan tâm đến phương tiện đo lường nên các đại biểu đề nghị Luật cần nêu rõ một số nội dung về: cơ quan có thẩm quyền thẩm định các thiết bị đo lường; công tác thanh tra, kiểm tra; thẩm quyền xử lý vi phạm; vấn đề xã hội hoá thiết bị đo lường; khi các tổ chức, cá nhân bị xâm hại quyền lợi về đo lường thì khởi kiện như thế nào và ở đâu? Cụ thể như: tại Điều 5: “Chính sách của nhà nước về đo lường” đề nghị Nhà nước đảm bảo kinh phí cho đo lường quốc gia; một số lĩnh vực đo lường cần thiết nhà nước không đầu tư hoặc liên quan nhiều đến tổ chức cá nhân như: điện, nước, xăng dầu thì các hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm, đánh giá không nên xã hội hoá sẽ không đảm bảo tính khách quan. Tại khoản 5, Điều 6: “Lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, nên bổ sung thêm nội dung: nếu gây thiệt hại lợi ích cá nhân thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện nếu bị xâm hại. Điều 6  “Những hành vi bị cấm”, khoản 4: về hành vi “giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa nội dung trên dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định” nên sửa chung là: “giả mạo hoặc làm sai lệch nội dung trên giấy kiểm định” là đủ. Điều 10  “Yêu cầu chung đối với chuẩn đo lường” và Điều 11 “Yêu cầu về đo lường đối với chuẩn quốc gia”, cả 2 điều này có một số ý trùng nhau nên đưa vào 1 Điều. Hoặc Điều 37 “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn”, cần phải đề cập thêm về chất lượng hàng đóng gói sẵn; Điều 44 “cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường” và Điều 45 “quyền hạn nhiệm vụ của cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường” đều quy định cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường có nhiều điểm trùng nhau nên ghép vào một Điều …

 

Qua nghe đóng góp của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ngành, tổ chức và hứa sẽ tổng hợp đẻ gửi đến kỳ họp Quốc hội sắp tới.