Lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo

17:45, 23/09/2011

Ngày 23-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức họp lấy ý kiến của các vị ĐBQH, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp vào Dự án Luật Khiếu nại và Dự án Luật Tố cáo. Đồng chí Phan Văn Tường, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội chủ trì cuộc họp.

Theo dự thảo, Luật Khiếu nại (KN) gồm 8 chương, 72 điều; Luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính; hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Luật Tố cáo (TC) gồm 8 chương, 54 điều, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; thẩm quyền trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; quản lý về công tác giải quyết tố cáo; giám sát giải quyết tố cáo.

 

Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung đóng góp nhiều vấn đề, trong đó đề nghị bổ sung vào một số nội dung như: Đối với việc KNTC khi có thiệt hại xảy ra (về tinh thần và vật chất) nhằm giảm dần KNTC tràn lan; trình tự giải quyết vụ việc chưa thống nhất, cần quy định rõ. Về quy định tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cần quy định phải bắt buộc với Thủ trưởng các cơ quan nhà nước và Chủ tịch UBND các cấp và cần quy định rõ định kỳ tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp. Đối với luật sư, khi tham gia tố tụng cần những yêu cầu gì? Nên xem xét lại việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại có yếu tố nước ngoài. Nguyên tắc giải quyết KN cần phải quy định cụ thể hơn, không nên để chung chung, Luật KN mới có hiệu lực; về  thời  gian khiếu  nại  không nên kéo dài; vấn đề giải quyết đơn KN đông người về một nội dung; thẩm quyền giải quyết khiếu nại cần bổ sung thêm thẩm quyền của Toà án nhân dân. Trong công tác tiếp công dân quy định rõ về trụ sở, địa điểm, tổ chức bộ máy và tiếp công dân cần nêu rõ kể cả tổ chức bộ máy, quy chế tiếp dân; trong công tác phối hợp tiếp dân nên có ĐBQH;; bổ sung thực hiện quyền giám sát của ĐBQH trong tiếp dân.

 

Luật Tố cáo các ý kiến cùng thảo luận nhiều về việc mở rộng quyền công dân; nghĩa vụ của người TC và phải bồi thường khi tố cáo sai để đảm bảo sự công bằng; đơn tố cáo phải có tên, có địa chỉ, nếu không có, không nên giải quyết; chủ thể TC nên giữ như hiện nay (chỉ công dân TC, không nên mở rộng ra tổ chức tố cáo); quyền, nghĩa vụ của người KN,TC cần cụ thể hơn…Sau khi nghe ý kiến tham góp, Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp để báo cáo với Quốc hội vào kỳ họp tới.