Tiếp tục làm việc với các ngành về việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

17:48, 08/09/2011

Trong 2 ngày (7 và 8-9), Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã làm việc với các ngành Thông tin và Truyền thông; Giáo dục - Đào tạo để nghe các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của từng ngành. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực chủ trì các buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết TW7 luôn được Ngành quan tâm. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngành đã định hướng các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình, thông tin điện tử trên địa bàn tuyên truyền Nghị quyết sâu rộng đến các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân… Xác định nhiệm vụ của Ngành là phải thực hiện tiêu chí số 8 (nằm trong Bộ tiêu chí Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới do Chính phủ ban hành ngày 16-4-2009) với các nhiệm vụ cụ thể là xây dựng điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; có internet đến thôn, Sở đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng và triển khai lồng ghép một số chương trình, dự án với việc thực hiện xây dựng nông thôn…

 

Đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia và phổ cập giáo dục cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã có 92/209 trường mầm non, 189/225 trường tiểu học, 67/81 trường THCS và 6/32 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia; hoàn thành phổ cập giáo dục bậc Tiểu học và THCS. Thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia và phổ cập giáo dục. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 phấn đấu có thêm 87 trường Mầm non, 41 trường Tiểu học, 76 trường THCS và 5 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia; huy động 95% trẻ em 5 tuổi ra lớp mẫu giáo lớn, 99% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1, 99% trẻ em hoàn thành chương trình Tiểu học vào học lớp 6; huy động 95% học sinh tốt nghiệp THCS đi học tiếp tại các trường THPT, bổ tục văn hóa và học nghề…

 

Tại buổi làm việc, các ngành cũng đưa ra ra một số kiến nghị như: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, khi tiến hành quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải có quy hoạch đất cho phát triển hạ tầng viễn thông, mạng lưới bưu chính và phát hành; xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông vào vùng nông thôn, miền núi, nhất là một số xã miền núi, vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh; các huyện chủ động lồng ghép các nguồn lực theo phân cấp quản lý tập trung cho việc xây dựng các trường học thuộc các xã điểm về xây dựng nông thôn mới…

 

Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của các ngành trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng nhận thức của các ngành về Chương trình này còn hạn chế, chưa biết cách lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện một cách hiệu quả nên không phân bổ được nguồn lực… Do vậy, trong thời gian tới, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn cho cán bộ; ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này; thành lập tổ công tác giúp việc Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh; xây dựng cơ chế; tham gia vào xây dựng Bộ tiêu chí; nghiên cứu xây dựng cơ chế thi đua gắn với thực hiện Chương trình này…