Tuyên truyền Luật An toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè

20:43, 17/09/2011

Ngày 17-9, Hội chè tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất, chế biến chè. Tới dự có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Công thương, Khoa học – Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế; Các chi cục: Quản lý thị trường, Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, Quản lý hàng hóa, Vệ sinh an toàn thực phẩm và các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề chè trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, các hội viên Hội chè đã được cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè như: Luật ATVSTP; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông sản; điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho chè búp tươi an toàn…

 

Đặc biệt, các hội viên còn được hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho chè búp tươi an toàn tại Việt Nam (VIETGAP). Theo đó, quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VIETGAP phải đảm bảo các yếu tố như: Vùng trồng chè phải được khảo sát, đánh giá phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước và địa phương đối với các mối nguy cơ về hóa học, sinh học và vật lý tại vùng sản xuất và vùng lân cận; giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất; phải tiến hành định kỳ phân tích các nguy cơ về hóa học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón, chất phụ gia và các nguy cơ khác; lựa chọn phân bón và chất phụ gia nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên chè; chất lượng nước tưới cho sản xuất chè phải đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành; thiết bị, dụng cụ thu hái chè phải được làm từ vật liệu không gây ô nhiễm…

 

Phát biểu với các hội viên Hội chè, đồng chí Đặng Viết Thuần nhấn mạnh: Chè Thái Nguyên đã nổi tiếng từ rất lâu bởi mầu nước xanh, hương thơm và vị ngọt hậu. Với người nông dân Thái Nguyên thì cây chè hiện đang mang lại nguồn thu nhập quan trọng thứ hai trong đời sống. Thế nhưng, đến nay cây chè Thái vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nó, năng suất và giá bán sản phẩm chè Thái còn có thể đạt cao hơn nữa, điều này phụ thuộc vào việc trồng, chăm sóc, chế biến của người làm chè. Các doanh nghiệp, HTX, làng nghề sản xuất, các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè cần phải thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, hướng tới việc sản xuất sản phẩm chè chất lượng cao để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của cây chè Thái.

 

Hiện nay, tỉnh ta đang tích cực chuẩn bị cho Festival trà Quốc tế lần thứ nhất, các doanh nghiệp, HTX, làng nghề chè cần tập trung sản xuất những sản phẩm chè tốt nhất để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế.