Đất trà Tân Cương đón ngày vui lớn

14:51, 29/10/2011

Ở vùng đất Tân Cương - nơi được tôn là “đệ nhất danh trà” trong thời gian này cũng đang hối hả cùng thời gian chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất chào đón Liên hoan Trà.

Đêu ga cho xe chạy trên tuyến đường 267 mới thoáng rộng về Làng chè truyền thống Hồng Thái II, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), tôi như bị hút hồn bởi phong cảnh làng quê với nét chấm phá hiện đại của nhiều ngôi nhà vườn bên những đồi chè xanh vườn cây ăn quả… Ông Lương Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: Tân Cương có 1.387 hộ với trên 6 nghìn nhân khẩu, trong đó số hộ làm chè chiếm 95% tại 16 xóm. Nhiều năm trở lại đây, cây chè đã giúp cuộc sống của người dân Tân Cương sung túc hơn. Hiện, 95% hộ dân có nhà xây kiên cố, nhiều hộ còn mua được cả xe ô tô phục vụ đi lại và cho chuyên chở chè… Với 450ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 350ha, dự ước sản lượng chè năm 2011 của cả xã sẽ đạt trên 1 nghìn tấn. Nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để cùng với tỉnh, thành phố tổ chức Liên hoan Trà, ngoài hưởng ứng công tác giải phóng mặt bằng để nâng cấp, cải tạo tuyến đường 267, càng gần ngày diễn ra Liên hoan Trà, bà con càng tập trung chú trọng chăm sóc, chỉnh trang các vườn chè của gia đình mình hơn. Cùng bà con trong việc chăm sóc cây chè, Phòng Kinh tế thành phố đã cung ứng trên 11 tấn phân bón Sông Gianh cho 60 hộ dân có tổng diện tích 4 ha nằm ở vị trí Không gian chè và dọc tuyến đường 267 đến Nhà văn hóa xóm Hồng Thái II. Cùng với chăm sóc chè, các hộ dân còn tích cực dọn cỏ vườn chè, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, nhất là nơi chế biến chè được các hộ sắp xếp một cách khoa học và hợp lý hơn. Dừng xe ở xóm Hồng Thái II, chúng tôi tìm đến gia đình bà Lương Thị Tỵ để tận mắt nhìn vườn chè lâu năm nhất trong xóm. Bên vườn chè rộng khoảng 4 sào, bà Tỵ cho biết: “Những gốc chè trung du này có tuổi đời từ khoảng 80 đến 100 năm. Từ khi được trưởng xóm thông báo tháng 11 tỉnh tổ chức Liên hoan Trà sẽ có những tua du lịch đến xóm, đến xã để khách trong nước và nước ngoài thăm quan vườn chè cổ, chè đẹp tôi đã chú ý hơn đến việc, chăm sóc, dọn cỏ…”. Rời vườn chè của gia đình bà Tỵ, chúng tôi đến xưởng chế biến chè vừa mới hoàn thành của gia đình anh Đỗ Văn Mai và chị Ngô Thị Mầu, xóm Hồng Thái I. Anh Mai nói: “Vợ chồng tôi đầu tư gần 200 triệu để xây dựng xưởng này. Định năm 2012 mới làm nhưng vì biết có Liên hoan Trà nên ngoài đồng vốn của gia đình, vợ chồng tôi đã vay mượn thêm của bạn bè để xây dựng xưởng. Mong rằng sẽ tiêu thụ được nhiều chè, nhiều người sẽ biết đến sản phẩm chè của gia đình. Với lợi thế là nhà ở và xưởng sản xuất chè ở cạnh tuyến đường 267 nên nhà anh Mai được chọn làm điểm tổ chức quán trà phục vụ khách trong đợt diễn ra Liên hoan. Đôi tay thoăn thoát hái những búp chè vừa đến lứa, chị Ngô Thị Mầu thổ lộ: Buổi tối, vợ chồng tôi còn tranh thủ nhờ con gái dạy cho mấy câu tiếng Anh đơn giản như: chào hỏi, cám ơn, giới thiệu tên, địa chỉ, số kg, giá tiền… để còn tập tẹ nói với khách nước ngoài”. Nghe chị Mầu nói, tôi chợt nhớ lại những bộc bạch của chị Nguyễn Thị Thúy, xóm Nam Thái (một trong những hộ được chọn tổ chức quán trà tại Tân Cương) khi chúng tôi đến thăm vườn chè của gia đình chị trước đó: Ngoài việc nhờ con gái dạy nói tiếng Anh, chị còn học qua Chuyên mục Tiếng anh giao tiếp đơn giản được đăng trên Báo Thái Nguyên do chồng chị mang về. Mà một số người ở cạnh nhà chị cũng mượn tờ Báo Thái Nguyên mang về nhà để học. Những từ tiếng Anh đơn giản ấy, được mọi người tập nói với nhau trong lúc hái chè. Qua việc học tiếng Anh của các chị, chúng tôi mới thấy người dân bây giờ thật thức thời. Mặc dù một số câu tiếng Anh mà các chị nói với chưa thật chuẩn nhưng đó cũng là nỗ lực rất lớn của người dân nơi xứ trà hướng về Liên hoan Trà.

 

Trao đổi với đồng chí Phạm Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, chúng tôi được biết: Xã có 8 điểm tổ chức quán trà dọc tuyến đường 267 thuộc các xóm: Nam Thái, Y Na, Soi Vàng, Hồng Thái I, Hồng Thái II. Ngoài tận dụng địa điểm sẵn có như Nhà văn hóa của Tổ HTX Sản xuất, chế biến chè an toàn tại xóm, xưởng sản xuất chè của các hộ gia đình, các quán trà khác sẽ được dựng mới theo kiểu nhà tranh tre nứa lá. Quán trà sẽ được giao trực tiếp cho các Tổ HTX sản xuất, chế biến chè an toàn trong xã. Ngoài được hỗ trợ kinh phí làm quán, panô, áp phích, tranh, ảnh tuyên truyền về các sản phẩm chè, các tổ HTX tự trang bị tủ trưng bày sản phẩm chè, bàn ghế, ấm pha trà mời khách… Cùng với 2 quán trà tại xã Quyết Thắng, Tân Cương có 1 quán được chọn khai trương điểm vào ngày 1-11. Tiếp đó, 28 quán trà của cả tỉnh, trong đó trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 23 quán sẽ được tổ chức triển khai đồng loạt vào ngày 5-11. Song song với các hoạt động trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 2 lớp tập huấn về Du lịch cộng đồng cho các trưởng xóm, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các đồng chí là trưởng, phó của 5 ngành, đoàn thể của xã. Phòng Văn hóa Thông tin, Thể thao thành phố cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn về các nội dung liên quan đến Liên hoan Trà cho các đồng chí là cán bộ văn hóa và Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách công tác văn hóa, xã hội, trưởng và phó các xóm, người đứng đầu các quán trà… Cũng theo đồng chí Phạm Đức Tiến, đến thời điểm hiện nay, 50 hộ dân nằm trong tour du lịch thăm quan chè Tân Cương cũng đã chu tất mọi việc để đón tiếp khách. Đã có 13 gia đình trong xã được cấp thương hiệu Vietgap, đây được xem là điều kiện thuận lợi để nhiều người, biết đến chè Tân Cương hơn.

 

Trời đã chạng vạng, từng tốp học sinh tung tăng đi học về trên con đường mới. Hai bên đường nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh ngôi nhà vừa mới xây là những căn nhà cũ cũng vừa được quét vôi mới. Xa xa là các bà, các mẹ, các chị với những bao chè chất nặng trên xe chở về nhà trong tiếng nói, tiếng cười hồn hậu nơi xứ trà Tân Cương… Tất cả đang hối hả cùng thời gian để chào đón Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011.