Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện chính sách phát triển ngành nghề, nông thôn

15:22, 20/10/2011

Ngày 20-10, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển ngành nghề, nông thôn. Tham gia Hội nghị có 64 tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham gia của lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương…

Hội nghị đã đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị định cũng như hướng dẫn thực hiện chính sách phát triển ngành nghề, nông thôn của các Bộ, ngành Trung ương theo quy định; những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất, kiến nghị những chính sách cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

 

Với Thái Nguyên, thực hiện Nghị định số 66 của Chính phủ, 5 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 173 làng nghề có đủ điều kiện để công nhận làng nghề, trong đó có 61 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã triển khai gần 10 dự án phát triển ngành nghề, tổ chức nhiều lớp tập huấn và xây dựng các mô hình phát triển ngành nghề, nông thôn với kinh phí gần 1,8 tỉ đồng, giúp các hộ nghèo tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thị trường hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Từ các dự án, các hộ dân đã trao đổi, liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa tập trung, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từng bước toàn diện hơn. Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề, nông thôn ở tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn như: Dự án quy hoạch phát triển ngành nghề tỉnh đã được phê  duyệt từ năm 2009, nhưng nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; các biện pháp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được thực hiện triệt để…

 

Tỉnh cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ như: Tiếp tục có chính sách đầu tư cụ thể cho lĩnh vực ngành nghề để giúp các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo thực hiện được dự án quy hoạch; hỗ trợ kinh phí mở các lớp đào tạo nghề; có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghệ gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nâng cấp, đầu tư công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; có chính sách ưu đãi vốn vay với lãi suất thấp để giúp đỡ các hợp tác xã, tổ hợp tác làng nghề đầu tư phát triển sản xuất.