Sản xuất trên 1,6 nghìn tấn nấm các loại

16:14, 26/10/2011

Ngày 26-10, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án Sản xuất, tiêu thụ nấm năm 2010-2011.

Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các huyện, thành thị; các cá nhân sản xuất nấm trên địa bàn; đại diện Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

 

Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm giai đoạn 2010-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 4-2010. Mục tiêu của Đề án là tổ chức sản xuất, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo ra hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Với chủ trương lấy doanh nghiệp là hạt nhân, nông dân là vệ tinh sản xuất, đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án, Thái nguyên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực là Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo kịp thời, sát tình hình; tổ chức các lớp tập huấn, thẩm tra và thực hiện cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và cá nhân thực hiện nuôi trồng nấm... Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 5 doanh nghiệp, 7 HTX, 3 đơn vị quân đội và công an, 75 hộ nông dân làm nòng cốt trong việc phát triển và tiêu thụ các loại nấm; đã sản xuất được trên 1,6 nghìn tấn nấm các loại như: Nấm sò,  mộc nhĩ, nấm Linh chi…

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu dự Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số mặt còn tồn tại hạn chế như: Việc phát triển Đề án không đều ở các địa phương. Bên cạnh một số đơn vị làm ăn có lãi và phát triển vẫn còn một số đơn vị không biết hạch toán, kinh doanh còn gặp khó khăn về vốn. Các đại biểu cũng cho rằng nuôi, trồng nấm là một nghề mang lại lợi nhuận khá cao, có tiềm năng phát triển, đầu vào nguyên liệu thuận lợi, kỹ thuật đơn giản, đầu ra ổn định và có thể làm giàu nếu được quan tâm đầu tư và định hướng phát triển.

 

Đại diện Viện Di truyền nông nghiệp cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh về kỹ thuật, giống, tiêu thụ và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nấm, đồng thời giúp địa phương tiếp cận với Chương trình nấm quốc gia.

 

Tại Hội nghị cũng đã công bố quyết định của UBND tỉnh về việc giao chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Nấm Thái Nguyên; trình bày dự thảo Điều lệ thành lập Hội Nấm của tỉnh.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Viết Thuần cho rằng công tác chỉ đạo phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh đã đi đúng hướng và mang lại hiệu quả bước đầu. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần giúp đỡ doanh nghiệp sản xuất nấm phát triển, từng bước đưa sản phẩm nấm của Thái Nguyên đến với tỉnh bạn, tiến tới xuất khẩu. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh sẽ gắn Chương trình phát triển nấm với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng...