Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp khuyến học khuyến tài

13:59, 01/10/2011

Khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Xã hội học tập là một trong những cơ sở tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, có tri thức phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Xã hội học tập đòi hỏi sự học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2001, Hội Khuyến học tỉnh được thành lập. Sự ra đời của Hội Khuyến học tỉnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở đã tạo ra bước phát triển mới trong phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa của hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

 

Nhìn lại 10 năm qua, kể từ ngày thành lập Hội đến nay, được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, công tác khuyến học, khuyến tài đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… Hội Khuyến học Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn, với nhiều hoạt động phong phú; tổ chức hội khuyến học không chỉ đẩy mạnh hoạt động ở vùng đồng bằng, đô thị  mà ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có tổ chức hội; trên 3.700 chi hội cơ sở; số hội viên bằng 20% số dân trong tỉnh.

 

Với đội ngũ cán bộ khuyến học đông đảo, nhiệt huyết, các cấp hội đã tổ chức được nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Các phong trào: xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học, Quỹ khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng… phát triển rộng khắp đã tạo nên nhận thức mới trong xã hội về việc đầu tư cho phát triển giáo dục kịp thời động viên tinh thần ham học, ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên trong học tập của từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng học tập trong các nhà trường. Đồng thời các cấp hội đã chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập và duy trì có hiệu quả trung tâm học tập cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn để mọi người dân được học tập nâng cao kiến thức, phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.

 

Trong những năm qua, hội khuyến học các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò nòng cốt trong việc phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp tham gia công tác khuyến học; vận động các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia xây dựng Quỹ khuyến học. Chính nguồn quỹ này, đã tạo điều kiện giúp đỡ cho hàng vạn học sinh nghèo có điều kiện vươn lên trong học tập; hàng trăm học sinh bỏ học trở lại lớp; thưởng và cấp học bổng cho nhiều học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập… Những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hội khuyến học chính là đã thực hiện tốt chủ trương “Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

 

Từ thực tiễn hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong những năm qua cho thấy: các địa phương, cơ quan, đơn vị nếu được cấp uỷ đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thì hội khuyến học hoạt động hiệu quả, phong trào phát triển nhanh, thu hút được nhiều thành phần xã hội và nhân dân tham gia góp công, góp sức và cùng chăm lo cho Hội phát triển. Đây là một trong những bài học kinh nghiệm lớn, quan trọng để giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020, đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với tỉnh chúng ta là phải nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu đó.

 

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tôi đề nghị các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

 

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay. Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác của Hội khuyến học, tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động đạt hiệu quả thiết thực.

 

Hai là: Các cấp hội khuyến học trong tỉnh phải đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích đã đề ra; chăm lo phát triển tổ chức hội cơ sở, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

 

Hội khuyến học các cấp cần làm tốt vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục.

Ba là: Mở rộng, nâng cao chất lượng các phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong giảng dạy và học tập; xây dựng gia đình hiếu học; cộng đồng, dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Gắn phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…  Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đối với công tác khuyến học.

 

Bốn là: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng ngành nghề khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, vệ sinh phòng bệnh, tin học - ngoại ngữ… để cung cấp cho người học những kiến thức cần thiết trong lao động, sản xuất. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc và chất lượng cuộc sống.

 

Ngày 21-9 vừa qua, tỉnh đã có Quyết định về việc xác định Hội Khuyến học tỉnh là một trong mười hai tổ chức hội có tính chất đặc thù hoạt động trong tỉnh; giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về chế độ chính sách của tỉnh đối với các hội đặc thù theo quy định của pháp luật.

 

Quán triệt quan điểm xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chấn hưng và phát triển giáo dục; với sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Thái Nguyên sẽ ngày càng phát triển./.

 

                                                 Phạm Xuân Đương

                                    Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

                                       Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh