Khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011

23:13, 12/11/2011

Tối 12-11, tại Khu Du lịch hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức trọng thể Lễ khai mạc liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011.

Đến dự Lễ khai mạc về phía Trung ương  có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Khánh; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh trong cả nước; đại diện Đại sứ quán 28 quốc gia cùng hơn 30 tổ chức quốc tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc Liên hoan.

 
Về phía tỉnh có các đồng chí: Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện các làng chè, các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè và đông đảo nhân dân trong tỉnh. 

 

 

Tại lễ khai mạc, đồng chí Dương Ngọc Long đã giới thiệu ngắn gọn về lịch sử cây chè, nghề làm chè, vị thế cây chè cũng như những đóng góp quan trọng của cây chè trong đời sống kinh tế của người dân Thái Nguyên.

 

Đây là lần đầu tiên một sự kiện tôn vinh sản phẩm trà và văn hóa trà Việt Nam nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng được tổ chức. Cây chè và các sản phẩm trà không những có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Liên hoan là dịp để Việt Nam biết đến các sản phẩm trà thế giới và thế giới biết được các sản phẩm trà Việt Nam; để giao lưu trao đổi kinh nghiệm về cây chè và các sản phẩm trà giữa các doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ chè trong nước và quốc tế, từng bước nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm trà Việt trên thị trường quốc tế.

 

Phát biểu khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên – Việt Nam năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tựu to lớn của ngành chè Việt Nam cũng như của tỉnh Thái Nguyên. Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả kinh tế của cây chè tại 34 tỉnh trong cả nước, hiện được xuất khẩu ra trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chè (đạt 200 triệu USD năm 2010).

 

 Một tiết mục văn nghệ trong đêm khai mạc

 

Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Thái Nguyên, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cội nguồn, tôn vinh cây chè, các sản phẩm trà; tôn vinh người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển ngành chè Việt Nam.

 

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, để ngành chè phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Thủ tướng yêu cầu: Với lợi thế là tỉnh có tiềm năng về chè, tỉnh cần tập trung phát huy giá trị của chè Thái, đặc biệt là  chè Tân Cương; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với quảng bá sản phẩm; phát huy tiềm năng phát triển đa dạng, quyết tâm nỗ lực hơn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh,  trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trước năm 2020.

 

Toàn cảnh khu sân khấu Lễ khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất.

 

Nhằm khắc phục những hạn chế của ngành chè, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (sinh học, khí hoá, tự động hoá) tiên tiến trong nước và thế giới để đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tạo ra một số sản phẩm chè hàng hoá chủ lực với số lượng lớn, an toàn, chất lượng, giá trị kinh tế cao có sức cạnh tranh cao, uy tín  trên thị trường trong nước và quốc tế; phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống gắn với bản sắc văn hoá các dân tộc, gắn với du lịch, tôn vinh các nghệ nhân làng chè; tạo vùng chè tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chè, xứng với tiềm năng, thế mạnh của chè Việt; đẩy mạnh hợp tác quốc tế  trong lĩnh vực  sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; phát triển triển cây chè là cây thế mạnh, bền vững nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo; Phấn đấu đưa trên 1 triệu tấn/năm chè búp tươi; đầu tư mới nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè trên thế giới. Mục tiêu trong 5 năm tới, giá chè Việt Nam bằng bình quân giá chè của thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2 lần.

 

Lễ khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam 2011 khép lại trong màn ánh sáng và pháo hoa rực rỡ sắc màu.

 

Liên hoan Trà Quốc tế có sự tham dự của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng các sản phẩm chè và nhập khẩu các sản phẩm chè của Việt Nam; 30 đoàn của các tỉnh có thế mạnh về cây chè, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến chè trong cả nước; 50 làng chè nổi tiếng và 25 doanh nghiệp chè tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.

 

Tại Lễ khai mạc, du khách trong và ngoài nước đã được xem trình diễn chương trình nghệ thuật với màn múa hát dàn dựng công phu, hoành tráng và thưởng thức màn trình diễn pháo hoa đặc sắc nhất từ trước đến nay. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 15-11, với 18 hoạt động chính và hoạt động phụ trợ.

 

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Tôn vinh sản phẩm trà và văn hóa trà Việt (*)

 

(Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khai mạc Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên- Việt Nam 2011)

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan Trà quốc tế - Thái Nguyên Việt Nam 2011.

 

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên - một vùng chè nổi tiếng, giàu truyền thống cách mạng, Anh hùng - Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn năm xưa, với những chiến công chói lọi và những thành tựu to lớn, toàn diện trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các vị khách quí, đồng chí, đồng bào đã tới dự buổi Lễ hôm nay.

 

Từ nhiều thế kỷ qua, trà đã được biết đến như một thức uống có giá trị cho sức khỏe con người và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Cây chè và các sản phẩm trà không những có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở nhiều quốc gia, cách dùng trà đã được nâng lên thành nghệ thuật, văn hóa trà đã trở thành nét độc đáo làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực trà thế giới.

 

Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh chè, nhất là ở các địa bàn miền núi, trung du. Cây chè đã được trồng ở Việt Nam từ lâu đời, hiện nay đã được phát triển ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, với diện tích trên 130 nghìn ha. Nhiều vùng sản xuất chè tập trung, gắn với công nghiệp chế biến với các sản phẩn trà nổi tiếng đã được hình thành ở Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La… Sản phẩm trà ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng lên, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn được xuất khẩu tới 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2010 xuất khẩu trên 135 nghìn tấn, kim ngạch đạt gần 200 triệu USD. So với 20 năm trước đây diện tích gieo trồng chè tăng lên gấp gần 2,5 lần, năng suất gấp 2,2 lần, sản lượng gấp 6 lần và kim ngạch xuất khẩu gấp 8 lần. Việt Nam đã đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu.

 

Sản xuất kinh doanh chè ở nước ta tập trung ở địa bàn miền núi, trung du, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục vạn hộ nông dân. Vì thế, cây chè có ý nghĩa quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước.

 

Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành chè Việt Nam đã đạt được và sự nỗ lực phấn đấu của các Bộ ngành chức năng, các địa phương trồng chè, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đặc biệt là tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo của hàng triệu nông dân, lao động - những người trực tiếp trồng, chế biến và kinh doanh chè Việt Nam.

Nhân dịp này tôi chân thành cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quí báu của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước cũng như sự phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành ngành chè Việt Nam.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khu không gian văn hóa Trà tại xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên).

 

Tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh chè của nước ta còn rất lớn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành chè nước ta vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cùng với những hạn chế yếu kém cần quan tâm khắc phục, trong đó nổi lên là việc áp dụng kỹ thuật tiến tiến trong sản xuất và chế biến chè còn chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm  chưa cao; chưa có nhiều thương hiệu trà nổi tiếng; đời sống của nhiều người trồng chè còn không ít khó khăn.

 

Thái Nguyên được cả nước trân trọng biết đến không chỉ là Thủ đô kháng chiến mà còn là một Thủ phủ chè với danh tiếng “Chè Thái”, với địa danh Tân Cương nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Tôi hoan nghênh tỉnh Thái Nguyên, mặc dù còn nhiều khó khăn, đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cội nguồn, tôn vinh cây chè, các sản phẩm trà, tôn vinh người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển ngành chè Việt Nam. Liên hoan Trà còn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhà chế biến, xuất nhập khẩu, người tiêu dùng, nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh và phương hướng phát triển cây chè và sản phẩm trà Việt Nam; tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu trà Việt Nam.

 

Bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, tôi mong ngành chè tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, khắc phục những tồn tại yếu kém đưa ngành chè Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn trung du miền núi. Tôi đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung sau:

 

1. Cùng với việc phát triển chè theo quy hoạch, phải đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất; bố trí lại cơ cấu giống chè phù hợp với từng vùng và thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng chè, phấn đấu đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 1 triệu tấn/năm.

 

2. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, khẩn trương cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm trà; tập trung đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời chú trọng phát triển các loại trà đặc sản truyền thống, các làng nghề gắn với du lịch, tôn vinh các nghệ nhân, các danh trà.

 

3. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định; tăng thu nhập cho người làm chè.

 

4. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ngành chè, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

5. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu chè Việt.  Phấn đấu trong vòng 5 năm tới giá chè xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng giá bình quân thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu gấp 2 – 3 lần so với hiện nay.

 

6. Tiếp tục quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đối với các vùng trồng chè tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho ngành chè, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Thái Nguyên có tiềm năng phát triển đa dạng, phong phú, với truyền thống Anh hùng, cần cù sáng tạo, tôi mong rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020, xứng đáng là một trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục của vùng trung du miền núi Bắc bộ, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

 

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt