Giám sát thực hiện chính sách pháp luật với người có công

17:11, 30/12/2011

Ngày 30/12, Đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng trên địa bàn.

Dự buổi giám sát có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện đoàn ĐBQH tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh.

 

Những năm qua, Thái Nguyên đã thực hiện khá tốt công tác người có công trên địa bàn. Cho đến nay, tỉnh đã giải quyết hơn 122.000 hồ sơ đối với người có công, xét hưởng trợ cấp cho gần 12.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, không để tồn đọng hồ sơ. Tỉnh cũng đã quan tâm và thực hiện tốt chính sách đối với liệt sĩ và thân nhân của họ như thực hiện chi trả trợ cấp đúng định kỳ, thực hiện đúng chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên là con liệt sĩ, tạo điều kiện cho thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng, di chuyển mộ liệt sĩ theo đúng quy định của Nhà nước; làm mới gần 500 nhà ở, sửa chữa hơn 600 nhà cho người có công.

 

Đi đôi với việc giải quyết chính sách cho người có công, tỉnh luôn quan tâm tới công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  kiểm tra và để lại trên 700 hồ sơ có biểu hiện gian dối về giấy tờ chứng minh vùng hoạt động như: giấy chứng nhận Huân, Huy chương Chiến sỹ giải phóng, hồ sơ lý lịch quân nhân, lý lịch đảng viên… bị tẩy xóa, thêm bớt hoặc hồ sơ điều trị bệnh không đủ tính pháp lý…

 

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trên địa bàn tỉnh cơ bản dựa vào ngân sách Trung ương và sự ủng hộ của nhân dân nên việc nâng cao đời sống của đối tượng người có công còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, một số văn bản pháp quy về chính sách của Nhà nước về chính sách người có công còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất nghiên cứu kỹ trước khi ban hành dẫn đến việc địa phương, cơ sở khó triển khai.

 

Tại buổi giám sát, tỉnh đã kiến nghị một số vấn đề như: cần xem xét lại  quy định về đối tượng người hoạt động kháng chiến vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học bởi quy định còn mang tính hạn hẹp so với hậu quả của chất độc hóa học/ dioxin gây ra, nhất là Quyết định 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin qua quá trình triển khai thực hiện đang gây bức xúc trong nhân dân bởi thiếu thực tế, thiếu tính khách quan và không thuyết phục.

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát  nhấn mạnh: việc ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thực hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật về người có công đã khá toàn diện nhưng tâm tư của người có công vẫn còn nhiều. Do vậy, đề nghị tỉnh cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong việc xem xét, kiến nghị, bổ sung ý kiến sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.