Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn

17:38, 14/12/2011

Ngày 14/12, Sở Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Hợp phần “phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” (SDU), Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về hiện trạng quản lý chất thải rắn, dự báo phát sinh chất thải rắn, quan điểm, mục tiêu quy hoạch chất thải rắn và định hướng quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025...của tỉnh Thái Nguyên.

 

Hiện nay, chất thải rắn trong toàn tỉnh có khối lượng 720 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt chiếm nhiều nhất với 82% tập trung ở T.P Thái Nguyên (215 tấn/ngày). Tỷ lệ thu gom, xử lý tại các huyện, thành phố, thị xã cũng chênh lệch khá nhiều, ở T.P Thái Nguyên và Thị xã Sông Công đạt 70 - 80%, còn ở các thị trấn chỉ đạt 20 - 30%. Toàn tỉnh mới có 2 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở Thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý chất thải rắn của tỉnh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý, chưa  xã hội hoá rộng rãi công tác này.

 

Bên cạnh đó, năng lực của đơn vị thu gom, xử lý rác còn yếu kém, thiếu kinh phí; việc vận hành các cơ sở xử lý chưa đúng quy trình hợp vệ sinh; việc lựa chọn công nghệ và quy hoạch xử lý rác thải còn nhiều bất cập, đang ở giai đoạn thí điểm; chưa thu hút được sự tham gia của các đơn vị tư nhân trong quản lý chất thải rắn. Các dự án đầu tư quản lý chất thải rắn nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; ý thức bảo vệ môi trường thấp kém... Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến năm 2025, dự báo các loại chất thải rắn của tỉnh  sẽ  tăng rất cao so với hiện nay…


Vì vậy, tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra quan điểm về sự cần thiết phải quy hoạch quản lý chất thải rắn trong bảo vệ môi trường tại tỉnh. Theo đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và phân loại tại nguồn chất thải rắn là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Ngoài ra, việc quản lý chất thải rắn không khép kín theo địa giới hành chính, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường, tuân thủ nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" cũng được nhiều đại biểu quan tâm.


Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, thông qua quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu sẽ thu gom, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trong đó có 90% được tái chế, sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc phân hữu cơ; thu gom 100% chất thải rắn công nghiệp; 100% lượng chất thải rắn y tế; 90% chất thải rắn xây dựng, 90% chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề.

 

Qua hội nghị này, Sở Xây dựng cũng mong muốn các ngành, huyện tiếp tục công bố quy hoạch trên đến những người làm công tác quản lý và người dân để nắm bắt được những nội dung cơ bản của quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.