Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII

15:51, 06/12/2011

Ngày 7/12  diễn ra phiên Khai mạc kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri trong tỉnh gửi tới kỳ họp này…

* Sớm thực hiện chế độ phụ cấp với Chỉ huy phó BCHQS cấp xã và thôn đội trưởng

(Cử tri Nguyễn Văn Đăng, Chỉ huy phó Ban CHQS xã Điền Thụy, Phú Bình)

 

Ngày 10-12-2010, HĐND tỉnh khóa XI, Kỳ họp thứ 15 đã thông qua Đề án xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, các chế độ phụ cấp hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội với Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) cấp xã và Thôn đội trưởng sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 1-1-2011. Cụ thể, Chỉ huy phó BCHQS cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp chuyên môn định mức hằng tháng bằng 1,0 mức lương tối thiểu chung; được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội, mức đóng tỷ lệ với mức lương tối thiểu chung ở từng thời kỳ lần lượt là: 18% (năm 2011), 20% (năm 2012), 22% (năm 2014). Các đồng chí Thôn đội trưởng cũng được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung của cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, đến nay sau gần một năm ban hành, các cán bộ quân sự cấp xã thuộc diện được hưởng chế độ nêu trên như chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp. Đề nghị, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp thực hiện các chế độ, chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành, giúp chúng tôi yên tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

 

* Cần sớm giải quyết chế độ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam


(Cử tri Đỗ Đình Khải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khôi Kỳ, Đại Từ)

 

Trong thời gian qua, không ít người đã lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho người có công bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh để làm giả hồ sơ nhằm hưởng chế độ. Do đó, việc Nhà nước thực hiện rà soát, giám định chặt chẽ các đối tượng là cần thiết, được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, theo tôi thì việc giải quyết chế độ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam như hiện nay là chưa hợp lý, gây nhiều thiệt thòi cho người bị phơi nhiễm. Trước hết là quy trình, thủ tục để hoàn thiện hồ sơ còn rườm rà. Đặc biệt, danh mục 16 bệnh áp dụng giám định đối với người bị phơi nhiễm là quá khắt khe. Chưa nói đến chuyện phải có hồ sơ gốc. Sau chiến tranh, ít ai giữ được các loại giấy tờ, hồ sơ nên việc hồ sơ bị mối mọt, thất lạc là điều khó tránh khỏi.

 

Ở xã Khôi Kỳ, đã có 55 đối tượng trực tiếp và 16 đối tượng gián tiếp được hưởng chế độ. Tuy nhiên, còn trên 40 đối tượng do không nằm trong tiêu chí theo quy định nên không được hưởng chế độ. Có trường hợp được đi giám định sức khỏe, niêm yết công khai nhưng vẫn chưa được nhận chế độ. Lại có trường hợp con được hưởng chế độ mà bố lại không được hưởng… Như vậy là quá bất cập. Trong khi đó, họ đã có tuổi, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chúng tôi mong rằng, Nhà nước cần có  phù hợp, linh hoạt để có thể nhanh chóng giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam.

 

 

* Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn kiên cố hóa trường, lớp học

 (Cử tri Nguyễn Thị Kim Anh,  Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa, Đồng Hỷ)

 

Năm học này, Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa có 19 lớp học, trong khi đó chỉ có 17 phòng học nên Nhà trường phải dùng phòng hội đồng và thư viện để làm lớp cho các em học. Do thiếu phòng học, nên dù được cấp 10 chiếc máy vi tính từ năm 2009 nhưng Nhà trường đã không thể tổ chức cho các em học đại trà. Ngoài thiếu phòng học, Trường còn thiếu các phòng chức năng như: ngoại ngữ, âm nhạc - mỹ thuật, tin học, thư viện và phòng làm việc của Ban giám hiệu, hội đồng, đoàn đội, kế toán. Theo Quyết định số 4003/QĐ-UBND ngày 31-12-2009 của UBND huyện Đồng Hỷ về việc giao kế hoạch vốn ngân sách tập trung để xây dựng công trình lớp học, nhà công vụ cho giáo viên năm 2010, Nhà trường được giao xây dựng 4 phòng học. Theo văn bản trên thì số tiền ngân sách cấp xây dựng 4 phòng học sẽ lồng ghép với vốn của Tổ chức Plan để đầu tư xây dựng công trình nhà 2 tầng 8 phòng học. Thực hiện quyết định này, Nhà trường đã chuẩn bị mặt bằng để thi công. Song đợi mãi không thấy có ngân sách huyện cấp về. Nếu không tiến hành xây dựng Tổ chức Plan sẽ rút nguồn vốn. Vì thế, Nhà trường đã quyết định sẽ vận động phụ huynh đối ứng cùng tổ chức Plan để xây dựng trước 4 phòng học cấp 4. Tuy có thêm 4 phòng học này, song Trường vẫn còn thiếu rất nhiều phòng học chức năng cũng như khu làm việc của Ban Giám hiệu. Đề nghị tỉnh, huyện xem xét đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho những trường đã có quyết định giao vốn. Có như vậy, các trường, nhất là khu vực miền núi khó khăn như xã Nam Hòa mới đủ cơ sở vật chất để tổ chức dạy, học hiệu quả.

  

* Nên quan tâm hơn tới việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân


(Cử tri Nguyễn Thị Dung, xã Hồng Tiến, Phổ Yên)

 

Trong những năm gần đây, Hồng Tiến (Phổ Yên) là một trong những địa phương có nhiều hộ nông dân bị thu hồi ruộng đất để xây dựng các công trình Quốc gia. Nhân dân chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

 

Sau thu hồi đất, người số tiền được đền bù, người nông dân được Nhà nước hỗ trợ tiền học nghề và đào tạo nghề mới như trồng nấm, mây tre đan xuất khẩu, chăn nuôi… nhờ vậy, đời sống của người dân có phần được ổn định.

 

Nhưng để các hộ dân liên quan tới việc bị thu hồi ruộng đất có điều kiện ổn định kinh tế lâu dài, Nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn, như mở rộng đối tượng được hỗ trợ với cả nông dân không thuộc diện hộ nghèo (hiện chỉ hỗ trợ hộ nghèo). Một thực tế là tại những lớp học nghề dài ngày từ 3 tháng trở lên, nông dân ngại tham gia vì không có điều kiện kinh tế để theo học. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng Nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ thêm lương thực (ngoài lệ phí đi học) để nông dân có điều kiện tốt hơn trong học nghề, chuyển đổi nghề.

  

* Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(Cử tri Bùi Văn Thái, xóm Núi Chùa, xã Tân Kim, Phú Bình)

 

Từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại với khoảng 100 con lợn và 500 con gà trên diện tích 0,5 ha đất vườn đồi. Trong năm 2011, gia đình tôi đã xuất bán 8 lứa lợn, trung bình 1 tấn lợn thịt/lứa và 3 nghìn con gà. Hiện nay, có khoảng trên 20 trong tổng số 109 hộ của xóm chăn nuôi quy mô gia trại tương đương như gia đình tôi, các hộ còn lại đều chăn nuôi ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, giao thông không thuận lợi, tuyến đường đất liên xã Tân Kim - Tân Thành đã xuống cấp, mặt đường lồi lõm với rất nhiều “ổ voi, ổ gà”, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt, khiến cho việc vận chuyển nông sản đến nơi tiêu thụ, cũng như vận chuyển thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng này, chúng tôi phải thuê xe ngựa hoặc xe công nông vận chuyển làm cho chi phí chăn nuôi tăng lên. Tuy nhiên, giá bán cũng không cao vì chúng tôi thường bị thương lái ép giá. Mỗi kg lợn thịt chúng tôi phải chịu bán ở mức 56 nghìn đồng/kg, thấp hơn 2 nghìn đồng so với ở trung tâm thị trấn; mỗi bao thức ăn chăn nuôi loại 25 kg, chúng tôi cũng phải mua giá cao hơn 2 nghìn đồng so với giá tại các đại lý. Để giúp nông dân như chúng tôi được hưởng lợi nhiều hơn, mong nhà nước sẽ có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa, tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, nâng cấp nhiều tuyến đường, giúp người dân không chỉ trên địa bàn huyện Phú Bình mà còn nhiều nơi khác có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.