Ngày 23/12, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Dự Lễ phát động có đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Quang Dực, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Đề, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị cùng trên 700 đại biểu của 140 xã nông thôn trong toàn tỉnh.
Thời gian qua, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh uỷ đã có Chương trình hành động số 25 ngày 28-10-2008; HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh và các cấp, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã có chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 26, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 26, Thái Nguyên đã phát động phong trào thi đua: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phong trào này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tích cực, chủ động, từng bước xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có 24% số xã (35/143 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, 40% số xã cơ bản đạt trên 10 tiêu chí nông thôn mới so với hiện nay, các xã còn lại đều tăng thêm ít nhất 5 tiêu chí nông thôn mới so với hiện nay; 100% đường đến trụ sở UBND xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, 50% đường liên thôn, xóm được cứng hoá; 70% số km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá; 100% số xã đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 80% các xã, thôn, xóm có nhà văn hoá; 70% các công trình phục vụ giáo dục được chuẩn hoá; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%.
Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu nêu trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh phải thực hiện tốt những nội dung thi đua chủ yếu như: Đẩy mạnh và đổi mới công tác, hình thức tuyền truyền theo hướng thường xuyên, liên tục, sát thực phù hợp; tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã nông thôn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo chiều sâu, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá có chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường…
Tại buổi Lễ, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Phú Lương, xã Hùng Sơn (Đại Từ), Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh đã lên phát biểu hưởng ứng Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đại diện các huyện, thành, thị đã ký giao ước thi đua thực hiện Phong trào. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên đã tặng huyện Phú Bình số tiền 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa.
Chung sức, đồng lòng thi đua thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới (*)
(Lược ghi bài phát biểu của đồng chí Đặng Viết Thuần tại Lễ phát động phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”)
…Chương trình xây dựng nông thôn mới là nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 26 Hội nghị TW lần thứ 7, khóa X, với nhiệm vụ hết sức to lớn là:
a.Xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo quy hoạch và có kế hoạch, một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao, một nền nông nghiệp có ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao, đảm bảo khai thác tốt nhất tiềm năng và lợi thế của một nền nông nghiệp phát triển bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách giầu nghèo, giữa các vùng miền.
b.Bồi dưỡng xây dựng giai cấp nông dân xây dựng nông thôn mới có trình độ ngang tầm khu vực, có quyết tâm và ý chí vươn lên, có tính cộng đồng trách nhiệm cao trong xây dựng, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng hợp lý, phục vụ cho phát triển nông thôn bền vững, có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao.
c. Xây dựng một cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại làm cơ sở cho phát triển đô thị gắn sản xuất với chế biến, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tạo nhiều việc làm và chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các ngành kinh tế khác. Đó là cuộc cách mạng có thời gian thực hiện dài, là việc khó nhưng nhất định phải làm và phải làm bằng được. Do vậy để thực hiện thành công chúng ta phải triển khai thực hiện với một quyết tâm chính trị cao; đồng bộ, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả.
Với tinh thần đó, thay mặt lãnh đạo tỉnh và Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh, tôi phát động phong trào thi đua: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu: Chủ động, tích cực từng bước xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với những đặc trưng: Có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân nông thôn được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, giữ gìn bản sắc văn hoá vùng miền, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh, trật tự xã hội ổn định. Phấn đấu đến năm 2015 có 24% số xã (35/143 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, 40% số xã cơ bản đạt trên 10 tiêu chí nông thôn mới so với hiện nay, các xã còn lại đều tăng thêm ít nhất 5 tiêu chí nông thôn mới so với hiện nay; 100% đường đến trụ sở UBND xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, 50% đường liên thôn, xóm được cứng hoá; 70% số km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá; 100% số xã đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 80% các xã, thôn, xóm có nhà văn hoá; 70% các công trình phục vụ giáo dục được chuẩn hoá; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tôi đề nghị các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt những nội dung thi đua chủ yếu sau đây:
Một là, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, hình thức tuyên truyền theo hướng thường xuyên, liên tục, sát thực phù hợp và thực hiện lồng ghép phong trào xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cùng với các phong trào thi đua khác trên địa bàn. Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc đồng bộ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về nội dung xây dựng nông thôn mới hiện nay. Qua đó tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã nông thôn mới. Đây là một công việc khó khăn nhưng có ý nghĩa to lớn đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, tuân thủ quy trình. Trong quy hoạch cần chú ý quy hoạch đất cho sản xuất hàng hoá và đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và khu đô thị nông thôn hiện đại.
Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là một nội dung mang tính cốt lõi của Chương trình phát triển hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức của người dân, vai trò của cá nhân và tập thể sẽ không thể có nông thôn mới mà không có sự đóng góp, tham gia của người dân, song vai trò trợ giúp và trách nhiệm của Nhà nước là rất quan trọng và mang tính quyết định trong hình thành một đồng bộ, một hạ tầng kinh tế xã hội cho nông thôn mới.
Bốn là, phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo chiều sâu, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá có chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Đây là nội dung cốt lõi là quyết định thành công chương trình xây dựng nông thôn mới vì nội dung này quyết định đến việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân do đó cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, từng bước cơ khí hoá sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung với sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp)
Năm là, xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững và mang đậm bản sắc văn hoá của địa phương. Phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc văn hoá truyền thống của đất và người Thái Nguyên. Phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội gắn với bảo vệ, phát triển nâng cao chất lượng môi trường. Vận động, hỗ trợ các gia đình xây dựng các công trình phục vụ đảm bảo yêu cầu của đời sống. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ môi trường.
Sáu là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân và lao động khu vực nông thôn để đảm bảo an sinh xã hội. Đưa công nghiệp về nông thôn, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và các dịch vụ để chuyển dịch nhanh lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, sử dụng nguyên liệu đầu vào từ sản phẩm nông nghiệp và thu hút nhiều lao động ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa người dân nông thôn và thành thị.
Bảy là, Xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đảm bảo an ninh nông thôn, đảm bảo ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục củng cố xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là những địa phương, những nơi còn khó khăn, yếu kém. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, gắn xây dựng Đảng với củng cố chính quyền, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, xây dựng khối đoàn kết thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện chương trình nông thôn mới thắng lợi…
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng mang lại lợi ích cho trên 80% dân số cả nước, cho gần 1 triệu nông dân của tỉnh. Đây là cuộc cách mạng vô cùng vẻ vang, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, hành động sáng tạo và sự tham gia tích cực của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và đội ngũ doanh nhân. Với tinh thần đó, thay mặt lãnh đạo tỉnh và Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh, tôi đề nghị các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang và doanh nghiệp trong tỉnh chung sức, đồng lòng, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đề ra...
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.