Ngày 29-2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức họp với lãnh đạo HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan để tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đồng chí Trương Thị Huệ, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm 5 chương với 32 điều. Luật có những quy định chung về chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá… Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí quan điểm sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã đưa ra 1 số ý kiến như: Có cần thiết phải thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng hay không và nếu đã thành lập thì không được phát sinh bộ máy biên chế quản lý Quỹ; cần phải tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của thuốc lá để giảm thiểu người sử dụng và in cảnh báo tác hại trên bao bì phải tác động đến trực quan; tiến hành hỗ trợ đối với các hộ trồng, sản xuất thuốc lá để họ chuyển đổi ngành nghề; tại khoản 6, 7 điều 7 nghiêm cấm việc sử dụng hoặc bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thuê hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá và cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi là không khả thi; khoản a, phương án 2, điều 29 quy định khoản đóng góp bắt buộc đối với người sử dụng thuốc lá là khó thực hiện, nên thu thông qua cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá…
Chiều cùng ngày, Hội nghị đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến về Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Bộ Luật này gồm 17 chương, với 258 điều; trong đó có các quy định về lao động; việc làm; hợp đồng lao động; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; tiền lương; thời giờ làm việc, thời giở nghỉ ngơi; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; an toàn lao động, vệ sinh lao động; những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên và một số lao động khác; bảo hiểm xã hội; giải quyết tranh chấp lao động, thanh tra lao động, xử phạt vi phạm pháp luật lao động…
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, cụ thể như: Về vấn đề nghỉ thai sản tại Điều 156, nhất trí với phương án 2, phù hợp với việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, tuy nhiên nên bổ sung tại ý 1 là người lao động nữ được nghỉ cộng trước và sau khi sinh con là 6 tháng; về chế độ tuổi nghỉ hưu nên giữ như hiện tại là nam 60, nữ 55; Điều 106 về vấn đề làm thêm giờ, phương án 1 là khả thi; điều 89 về mức lương tối thiểu, nên xác lập theo ngành và theo giờ, có điều chỉnh năm sau cao hơn năm trước để sát với thực tế cuộc sống; Điều 22 về loại hợp đồng lao động, theo phương án 1 là hợp lý; Điều 71 về thỏa ước lao động tập thể, nên có quy định về thời gian doanh nghiệp phải ký kết thỏa ước lao động tập thể; điều 8 nên bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với người lao động…
Sau khi thảo luận, các ý kiến đóng góp trên sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp để trình kỳ họp Quốc hội trong thời gian tới.