Sáng 28/2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức họp với đại diện HĐND tỉnh; các cơ quan ngân hàng, tài chính, cơ quan Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư của tỉnh để thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT).
Luật PCRT gồm có 5 chương, 50 điều. Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền.
Qua thảo luận, các ý kiến đều nhất trí: Trong xu hướng hội nhập hiện nay, việc ra đời Luật PCRT là rất cần thiết, để góp phần hoàn thiện luật, các ý kiến đã đề nghị: cần làm rõ khái niệm “rửa tiền”; tội “rửa tiền”, “tiền sạch”, “tiền bẩn” để người dân hiểu rõ và có căn cứ khi xử lý hành vi vi phạm và có sự thống nhất hành vi giữa Bộ Luật hình sự và Luật PCRT; sắp xếp lại kết cấu một số điểm trong các điều cho hợp lý như Điều 33, 36, 38 về trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCRT; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, nên có thống nhất giữa các điều khoản trên. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm một số điều như: Điều 13 có quy định về khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị; nên quy định thêm trong luật cá nhân trong nước có lợi ích, địa vị chính trị và cụ thể về chức vụ đến đâu.
Về mô hình cơ quan PCRT không nên để thuộc Ngân hàng Nhà nước, vì đây là loại tội mới nếu chỉ giao cho Ngành Ngân hàng sẽ không đủ điều kiện giải quyết, xử lý; cần phải giao cho cơ quan của Bộ Công an chủ trì PCRT, bên cạnh đó có các cơ quan phối hợp. Hoặc về phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm nội dung về “tài trợ khủng bố” nên có một vài điều quy định về “tài trợ khủng bố”; cần tăng cường việc công khai minh bạch tài sản cá nhân để chống nguy cơ rửa tiền từ nước ngoài vào. Điều 22 về báo cáo giao dịch bất ngờ, nên quy định rõ gồm những giao dịch nào để các cơ quan chức năng dễ kiểm soát nguồn tiền. Điều 29 về đảm bảo bí mật thông tin tài liệu báo cáo nên xem xét lại; nên có quy định về khen thưởng cho những người cung cấp thông tin có hiệu quả; phát hiện ra các hành vi vi phạm.
* Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH đã họp với đại diện Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh; các sở ngành liên quan để lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Luật Tài nguyên nước (TNN) có 10 chương, 83 điều. Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ nước Việt Nam.
Tại Hội nghị, các ý kiến tham gia đều đồng ý với các chương, điều sửa đổi của Luật, song đề nghị bổ sung một số nội dung nhằm nâng cao công tác quản lý, chống lãng phí trong sử dụng TNN như : cần làm rõ một số nội dung về vấn đề quản lý lưu vực sông; quy hoạch, quản lý, điều phối hoạt động có liên quan đến lưu vực sông.
Về phạm vi điều chỉnh, nên đưa nước biển và nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa vào điều chỉnh của luật; đối tượng quản lý nên bao quát tất cả các đối tượng để đưa vào quản lý như: hồ điều hòa, lòng sông, bờ sông, bãi bồi ven sông, vùng cửa sông, vùng đất ngập... Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp cụ thể vào một số điều như: Điều 3 cần nêu rõ ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm. Tại Điều 9, chương 2, trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản về TNN, nên bổ sung trách nhiệm của Nhà nước đối với quy hoạch điều tra cơ bản TNN; làm rõ nội dung, khái niệm thế nào là quy hoạch điều tra cơ bản TNN. Điều 13, chiến lược TNN nên bổ sung thêm trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lập chiến lược TNN. Điều 27 về phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm nên quy định thêm trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc giải quyết, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Đồng thời, Điều này chỉ nên quy định đối với các cơ sở đang hoạt động mà chưa có phương án phòng ngừa, còn các dự án đầu tư mới nên đưa ra quy định yêu cầu phải xây dựng phương án phòng ngừa.
Điều 51 về Thăm dò khai thác nước dưới đất TNN, không nên để từ “hạn chế” mà thay bằng từ “cấm” đối với khai thác nước dưới đất đối với khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức; khu đô thị, khu dân cư tập trung. Cũng nên có điều khoản quy định xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước không hợp pháp; phải đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng nước với cơ quan chức năng; các đối tượng khoan, khai thác sử dụng nước sinh hoạt, nước sản xuất cũng cần đưa vào quản lý, đăng ký tại xã, phường…
Điều 66, nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động TNN, điểm 3 có quy định thu tiền cấp quyền khai thác TNN là sẽ tăng thêm chi phí đầu vào, có nghĩa là sẽ tăng giá nước, vì vậy nên xem xét lại điểm này. Điều 73 cũng nên bổ sung quy định trách niệm của UBND từng cấp đối với việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Chính phủ cũng nên ban hành quy định về xử lý vi phạm đối với lĩnh vực TNN…
Qua nghe các ý kiến tham gia, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ lựa chọn, tổng hợp để trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII xem xét.