Đó là nội dung được thảo luận nhiều nhất trong Hội nghị tổng kết Ban Chỉ đạo công tác đăng ký, quản lí hộ tịch (ĐKQLHT) và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp về hộ tịch tổ chức sáng 30/3 tại UBND tỉnh.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nhữ Văn Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nhữ Văn Tâm cho rằng: Công tác ĐKQLHT có giá trị thiết thực đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội, giúp việc xác định độ tuổi, nhóm tuổi, thành phần gia đình, thống kê hộ nghèo, điều tra xã hội học, phổ cập giáo dục, xác định độ tuổi nhập ngũ, tuổi chịu trách nhiệm hình sự…; là cơ sở để giúp các cấp, ngành hoạch định chính sách xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Do đó, đồng chí yêu cầu việc đánh giá công tác này phải khách quan, toàn diện. Các đại biểu cần đóng góp những ý kiến xác đáng, nêu rõ những bài học kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc để làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng dự thảo báo cáo trình Bộ Tư pháp góp phần hoàn thiện Luật Hộ tịch…
Kể từ năm 1987 đến nay, công tác ĐKQLHT được Chính phủ giao cho ngành Tư pháp quản lý. Tuy nhiên, do ngành không được bàn giao đầy đủ sổ và hồ sơ lưu nên bước đầu gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau 25 năm tiếp nhận, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP với những đột phá phân cấp quản lý, cải cách hành chính… công tác ĐKQLHT đã được nâng lên một tầng cao hơn, thu được những kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đổi mới vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế như: điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo; thiếu nguồn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm; phần mềm quản lý chưa thống nhất, còn có nhiều thay đổi; nhiều trường hợp có tình lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước (dân tộc, khai sinh, nhận con nuôi…) để trục lợi…
Những vướng mắc, hạn chế, bất cập trên đã được Hội nghị tập trung thảo luận và đưa vào phần đề xuất xây dựng Luật Hộ tịch.