Cảnh giác với các loại bệnh cúm

09:36, 05/03/2012

Thời tiết đã bắt đầu ấm dần lên, đây cũng là lúc mà các bệnh dịch nguy hiểm có khả năng bùng phát.

Thời điểm từ cuối tháng 2 đến tháng 4 là lúc bệnh cúm tăng mạnh, cụ thể là từ ngày 10 đến 21-2, tại Trường Tiểu học Nam Tiến 2 (huyện Phổ Yên) có 79 học sinh mắc bệnh cúm, qua lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, các bác sĩ xác định đây là các trường hợp dương tính với cúm B (hay còn gọi là cúm mùa). Một số nơi khác cũng có khá nhiều người mắc bệnh cúm, tuy nhiên đều ở thể nhẹ. Cùng với bệnh cúm mùa, tỉnh ta đang phải đối mặt với dịch cúm gia cầm. Điều đáng lo ngại là ở một số nơi người dân còn có tình trạng giấu dịch hoặc bán chạy để đỡ thiệt hại về kinh tế. Hậu quả là mầm bệnh bị phát tán ra bên ngoài, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virut cúm A/H5N1 ở người. Cần biết rằng, tỷ lệ người tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 rất cao, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn cả nước có 3 bệnh  nhân nhiễm Cúm A/H5N1 thì 2 trường hợp đã tử vong. 

 

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, các chủng virut cúm có khả năng tổ hợp cao, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đang lưu hành nhiều chủng virus cúm khác nhau như: virus cúm mùa, cúm gia cầm A/H5N1..., nếu các chủng virus cúm tổ hợp được với nhau sẽ tạo thành một chủng virut mới, có độc lực cao như cúm A/H5N1, lây truyền nhanh như cúm A/H3N2 thì sẽ rất nguy hiểm. Để dập tắt mầm bệnh, giảm thiểu khả năng tổ hợp giữa các chủng virut, cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch, kịp thời khoanh vùng khi có dịch xảy ra, khử trùng, tiêu độc, quản lý chặt chẽ và tiêu hủy đúng quy trình số gia cầm mắc bệnh. Về điều trị cho người mắc bệnh cúm thông thường, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, uống đủ nước, ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa và sử dụng một số loại kháng sinh chống bội nhiễm. Tuy nhiên, cũng cần hết sức cảnh giác với những người có sức đề kháng yếu, có bệnh mạn tính. Bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1, bệnh nhân có biến chứng bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được và biết cách phòng, chống bệnh cúm. Trong thời điểm tháng 3-4, ngoài bệnh cúm khả năng sẽ có một số bệnh khác như: Sởi, Rubella xuất hiện. Năm 2011, cũng ở thời điểm này, toàn tỉnh có trên 1.000 ca phát ban dạng sởi và rubella.

 

 Cúm người có 3 chủng A, B, C nhưng gây đại dịch lớn trên thế giới chủ yếu là cúm A. Hiện nay, đáng chú ý có các loại cúm A sau:

 

 

 Cúm A/H5N1: Biểu hiện của mắc virut cúm A/H5N1 là sốt, ho, tức ngực, suy hô hấp nặng, người bệnh bị tổn thương đa phủ tạng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân cúm A/H5N1 thường có tiếp xúc với gia cầm bệnh như làm thịt, ăn gia cầm bệnh, tiếp xúc với môi trường mang mầm bệnh. 

 

Cúm A/H1N1: Do virut cúm A/H1N1 gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virut, sau đó đưa tay lên miệng, mũi. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 2 - 7 ngày, thời gian lây truyền là một ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh. Biểu hiện của bệnh giống cúm mùa như sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể có nôn hoặc tiêu chảy kèm theo.

 

Cúm A/H3N2: Khi bị nhiễm virut cúm A/H3N2 (có nguồn gốc từ lợn), người bệnh có biểu hiện ho, sốt cao, viêm đường hô hấp, đau nhức toàn thân… Điều tra dịch tễ cho thấy, trong một số gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh. Nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, dịch sẽ lan rộng và khó kiểm soát. Điều lo ngại là cúm A/H3N2 cũng có thể gây biến chứng viêm phổi, dẫn đến tử vong. Một số người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch… cần phải được chẩn đoán sớm, điều trị sớm nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc.