Ngày 6/3, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn về công tác thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có các thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành, thị…
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, tuy dịch bệnh lở mồm long móng gia súc chưa xảy ra nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên (29/1) đến nay, cúm gia cầm đã xảy ra ở 9 hộ dân của các xã Bá Xuyên (T.X Sông Công), Thanh Ninh (Phú Bình) và phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên). Tổng số gia cầm bị tiêu hủy là trên 2.200 con. Để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này, tỉnh ta đã triển khải các biện pháp như khoanh vùng ổ dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân…
Tuy nhiên, trong quá trình chống dịch, tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn do phương thức chăn nuôi trên địa bàn nhỏ lẻ, phân tán khiến cho việc tiêm phòng, vệ sinh thú y, quản lý, chống dịch gặp nhiều trở ngại; nhận thức, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn thả rông gia cầm, vệ sinh thú y kém, giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm không đúng quy định; công tác tham mưu các biện pháp triển khai chống dịch đối với các xã, thị trấn của thú y viên cơ sở chưa kịp thời. Trong thời gian tới, để làm tốt công tác thú y, tỉnh ta sẽ nghiêm thúc thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch; tập trung lực lượng khoanh vùng, khống chế không để dịch lay lan; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 1…
Cũng tại cuộc họp này, UBND tỉnh đã thông qua quy định tạm thời về một số biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Quy định này gồm 2 phần: Những quy định chung và quy định quy trình xử lý cụ thể trong 4 trường hợp (khi chưa có dịch xảy ra trên địa bàn, khi có dịch xảy ra tại các địa phương lân cận, khi có dịch xảy ra, sau khi kết thúc dịch). Đã có 12 ý kiến tham gia vào quy định này, trong đó hầu hết đều nhất trí với các nội dung được thông qua. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định cần ngắn gọn hơn và phân rõ trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành liên quan…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc ban hành quy định này là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp và cả hệ thống chính trị; giúp cơ quan thú y nắm được tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Đồng chí cũng khẳng định quy định này có lợi cho cơ sở, giúp cho việc ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chủ động hơn. Trong quá trình thực hiện căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ có sự kê chỉnh phù hợp. Đồng chí cũng yêu cầu khi quy định này chính thức được UBND tỉnh ban hành, các cấp, ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện…