Hiện nay, T.P Thái Nguyên vẫn còn một số điểm có thể xảy ra ngập úng cục bộ khi trời mưa lớn (tại các trục đường và khu dân cư). Các phương án chống ngập úng trước mắt và cả lâu dài đang được Thành phố quan tâm thực hiện khi mùa mưa năm nay sắp bước vào thời kỳ cao điểm.
Cách đây vài năm, hẳn người dân Thành phố không lạ lẫm gì với tình trạng ngập sâu gây ùn tắc giao thông, nguy hiểm cho người tham gia giao thông mỗi khi trời mưa lớn, tại một số điểm như: Đoạn đường Lê Quý Đôn giao với đường Lương Ngọc Quyến; trên đường Cách mạng tháng Tám, Phùng Chí Kiên, Minh Cầu, Hoàng Văn Thụ… Ngoài ra còn một số điểm ngập úng cục bộ phát sinh từ việc xây dựng các khu dân cư số 2, 3, 4, 5 (phường Đồng Quang); khu dân cư số 6, phường Túc Duyên; khu dân cư Lưu Nhân Chú, phường Hương Sơn...
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Tạ Văn Thán, Phó Ban Quản lý Dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên cho biết: Nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước mưa của Thành phố chưa được đầu tư động bộ, nước vẫn chỉ thoát trên nền đất tự nhiên; hệ thống thoát nước đấu nối từ các trục đường đô thị đến hệ thống chung không đảm bảo lưu lượng khi trời mưa lớn. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường nội thị sử dụng hệ thống thoát nước hở lại thường xuyên bị vùi lấp gây ra ngập úng cục bộ. Ông Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên cho biết thêm: Hệ thống thoát nước tự nhiên (các dòng suối, rãnh) đã bị vùi lấp đáng kể, diện tích các hồ điều hòa và những vùng trũng bị thu hẹp nhiều do quá trình đô thị hóa nên ngày càng hạn chế vai trò điều tiết nước; một số khu dân cư đã và đang xây dựng có cốt nền cao hơn khu vực xung quanh, phương án thoát nước lại không đảm bảo là nguyên nhân gây ra các điểm ngập úng cho khu vực lân cận.
Trước thực trạng này, UBND Thành phố đã ưu tiên vốn ngân sách (khoảng 6 đến 8 tỷ đồng/năm) đầu tư cho việc thường xuyên nạo vét, cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước. Công việc nạo vét các tuyến đường nội thị có hệ thống thoát nước hở được tiến hành 2 tháng/lần, với hệ thống cống hộp kín thì mỗi năm 1 lần. Vì thế, khoảng 2 năm trở lại đây đã có nhiều điểm thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ được khắc phục và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như các điểm trên đường Lương Ngọc Quyến, Dương Tự Minh, Quang Trung, Phùng Chí Kiên, Cách mạng tháng Tám… Các điểm ngập sâu và ngập lâu cơ bản không còn.
Khi thời kỳ cao điểm của mùa mưa năm 2012 đang đến gần, các phần việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tại một số khu vực đang được quan tâm thực hiện. Công việc nạo vét thường xuyên hệ thống thoát nước được chuyển sang ưu tiên cho những điểm có thể xảy ra ngập úng cục bộ hoặc những tuyến thoát nước chính. Cùng với đó, mỗi khi có mưa lớn, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên sẽ cử công nhân thực hiện tuần đường để phát hiện và xử lý ngay những chỗ ách tắc, chống ngập úng trong khả năng có thể. Những điểm ngập úng phát sinh do việc thi công cải tạo đường Quốc lộ 3 đã và đang được Thành phố cho khơi thông tạm thời nhằm khắc phục phần nào. Ban Quản lý Dịch vụ công ích đô thị Thành phố (được thành lập đầu năm) được giao trách nhiệm thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện các điểm có thể xảy ra ngập úng để xử lý hoặc báo cáo Thành phố, từ đó có phương án giải quyết kịp thời. Các điểm ngập úng tại các khu dân cư sẽ dần được khắc phục theo hướng đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoặc mở rộng quy hoạch, lấy cả khu vực có thể bị ngập (tình trạng ngập úng xung quanh khu dân cư số 6, phường Túc Duyên đã được giải quyết theo cách này).
Tuy nhiên, theo các nhà chuyển môn, để không còn nỗi ám ảnh về sự ngập úng mỗi khi trời mưa, ngoài việc kiên cố hóa các tuyến đường đô thị cộng với giải pháp quy hoạch, thì việc triển khai Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên mới thực sự giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Đây là dự án được đầu tư bởi nguồn vốn vay ODA, được phê duyệt lần 2 năm 2007 với tổng vốn đầu tư 579 tỷ đồng, sử dụng công nghệ hiện đại, nhằm xây dựng một hệ thống thoát nước chung và xử lý nước thải trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Sau một thời gian khá dài gặp khó khăn trong bố trí vốn cũng như công tác giải phóng mặt bằng thì hiện nay, Dự án đã có những tiến triển khả quan. Ông Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên (chủ đầu tư Dự án) cho biết: Những hạng mục chính của việc xây dựng hệ thống thoát nước chung Thành phố (lắp đặt 2 trạm bơm công suất lớn để hỗ trợ tiêu thoát nước ra sông Cầu tại phường Trưng Vương và phường Phan Đình Phùng; cải tạo suối Xương Rồng 1, suối Xương Rồng 2, suối Cống Ngựa và hồ điều hòa Cống Ngựa chảy qua địa bàn các phường Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Trưng Vương) đã giải phóng mặt bằng được khoảng 70%, đang lập hồ sơ thiết kế và tổ chức đấu thầu, một số phần việc sẽ được khởi công trong năm nay. Công ty cũng vừa tiến hành nhập khẩu một lượng lớn thiết bị phục vụ cho Dự án, phấn đấu đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục.