Đây là nội dung của buổi Hội thảo được Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức ngày 29/5 với mục đích đánh giá thực trạng việc chế biến lâm sản trên địa bàn, tìm ra những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, chế biến lâm sản trong những năm tới.
Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 841 doanh nghiệp chế biến lâm sản, chủ yếu tập trung ở các đô thị, vùng đông dân cư, có cơ sở hạ tầng tốt để thuận tiện cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp này tạo việc làm cho trên 2.500 lao động trực tiếp (chưa kể lao động khai thác, vận chuyển lâm sản). Mô hình sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản chủ yếu là sơ chế và sản xuất đồ mộc gia dụng. Thiết bị chế biến lâm sản hầu hết là thô sơ, có công suất nhỏ để gia công gỗ... Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động bằng vốn của doanh nghiệp và vốn vay các ngân hàng thương mại theo lãi suất quy định, một số HTX chế biến lâm sản được vay vốn hỗ trợ khoảng 250 triệu đồng/cơ sở với lãi suất 0,65%/năm.
Các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, sự hình thành và phát triển ngành chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, sản phẩm làm ra chủ yếu là bán nguyên liệu thô, công nhân phần lớn không được đào tạo qua các trường dạy nghề. Các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Do vậy để phát triển nghề này, tỉnh ta cần quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản; tăng cường cải cách thủ tục hành chính như cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp, xác nhận sản phẩm hàng hóa trong sản xuất và lưu thông; có chính sách ưu đãi về đất đai để khuyến khích các nhà đầu tư…
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Đặng Viết Thuần cho rằng để khai thác hết tiềm năng trong phát triển lâm nghiệp, thời gian tới, tỉnh cần phải rà soát quy hoạch đất trồng rừng; phát triển các cơ sở chế biến lâm sản chuyên sâu…