“Sốt” chuyện bắt đỉa ở Đại Từ

08:10, 13/06/2012

Gần 1 tháng nay, việc thu mua đỉa với giá cao tại xã Cát Nê (Đại Từ) đang trở thành cơn sốt với nhiều người dân nơi đây…

Gần 1 tháng nay, việc thu mua đỉa với giá cao tại xã Cát Nê (Đại Từ) đang trở thành cơn sốt với nhiều người dân nơi đây, bà con đổ ra đồng, khe suối, ao, hồ, mương máng trên khắp địa bàn huyện, tỉnh để bắt. Dù không ai biết rõ con đỉa được sử dụng làm gì, xuất bán đi đâu, chỉ biết rằng, đỉa bán được giá là đi tìm bắt.

 

Đỉa được Đông y gọi tên “thanh điệt” là loài vật thuộc họ thân mềm sống ở đồng ruộng, kênh mương và là loài chuyên hút máu. Mặc dù Đông y coi đỉa là một trong những vị thuốc giúp thông máu, làm dễ tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng; y học hiện đại dùng đỉa phối chế với nhiều loại thuốc khác điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu… song đối với nhà nông, đỉa vẫn là sinh vật có hại, là nỗi sợ hãi của nhiều người.

 

Tuy nhiên, hiện nay giá đỉa tươi ở đây được thu mua với giá khoảng từ 400.000-600.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều người dân địa phương khi ngừng công việc đồng áng lại xách hành trang đi “săn” đỉa ở khắp các nơi để kiếm thêm thu nhập. Cùng với đó, một số người dân khác đứng ra làm chủ đại lý chuyên thu mua đỉa để rồi chuyển đi đâu không ai biết.

 

Để chứng kiến việc mua bán đỉa của người dân, chúng tôi giới thiệu là phóng viên và muốn viết bài về việc bắt, bán đỉa. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi giới thiệu như vậy ai cũng lắc đầu “không biết”, có người còn nói “nhà báo mà viết để đăng báo thì chết chúng tôi à”.

 

Sau gần hết 1 buổi sáng rong ruổi trên các con đường, ngõ xóm mà không tìm được ai bắt đỉa cũng như bán đỉa, may thay khi chúng tôi đang định quay về thì 1 chị bán thịt ngay ven đường, cạnh UBND xã Cát Nê nói: “Do các ao, hồ, mương máng trong xã được người dân bắt nhiều nên cũng vãn, vì thế để có thể bắt được nhiều đỉa, bà con đã kéo nhau đi các xã, huyện khác để bắt, khoảng 16-17h họ mới đem về bán. Để biết họ bắt như thế nào, bán ra sao thì các em phải đi theo họ may ra mới hỏi được”.

 

Thế là chúng tôi chuẩn bị hành trang là 1 cái chai nhựa lên đường đi “săn” đỉa cùng người dân. Do từ nhỏ đã phải đi chăn trâu, cắt cỏ vì thế bắt đỉa với chúng tôi không quá khó. Để bắt được đỉa, chúng tôi đã lội xuống các vũng trâu đầm, ven những con mương để đỉa bám vào chân rồi lấy tay bắt cho vào 1 chai. Sau gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng bắt được gần 0,02 kg đỉa (2 hoa). Chị Thạch, 1 người dân tại xã Ký Phú cùng đi cho biết: “Để có thể bắt được nhiều đỉa, mà không phải dùng tay thì phải có dụng cụ. Dụng cụ bắt đỉa cũng rất đơn giản, chỉ cần một túi nilon, một cái vợt dài khoảng trên 40 cm làm bằng vải màn và một cái que để gắp là có thể rong ruổi cả buổi từ các ao hồ lớn đến những cống rãnh”.

 

Từ một con vật chẳng có ích lợi gì với người nông dân nay được mua với giá cao nên người dân xã Cát Nê từ già đến trẻ và cả những em học sinh khi được nghỉ hè cũng đổ đi khắp mọi nơi để bắt đỉa. Đỉa và giá thu mua của nó đã trở thành đề tài nóng. Chị Quyết, xóm 10, xã Cát Nê cho biết: “Với giá mua như hiện nay, ngày ít cũng kiếm được 100-150 nghìn đồng. Còn hôm nào bắt được nhiều thì cũng kiếm được hơn 500 nghìn đồng. So với đi làm thuê thì thu nhập cao hơn nhiều mà lại chẳng phải tốn mấy sức. Mới có 2 buổi mà đã đủ tiền đóng học cho con”. Cũng theo chị Quyết và người dân cho biết có những gia đình 2 vợ chồng ngày đi bắt được cả trên 2 triệu đồng, có người còn để trâu đằm xuống các ao tù, nước đọng để đỉa bám vào bắt cho được nhiều.

 

Có đỉa trong tay, chúng tôi hỏi địa chỉ người thu mua thì được người dân nói là đến nhà bà Nhâm, xóm 10, xã Cát Nê sẽ bán được ngay. Hơn 16h, chúng tôi đến địa chỉ trên thì bà chủ Nhâm không có nhà. Chỉ có con trai của bà Nhâm, thấy khách tới với chai đỉa trong tay, anh có hỏi chúng tôi ở xã nào, bắt đỉa lâu chưa… Sau 1 hồi nói chuyện, anh cho biết: “Gia đình cũng thu gom đỉa của người dân được hơn 1 tháng nay, ngày nhiều được trên 10 kg, ngày ít được khoảng dăm kg. Sau khi thu gom lại, buổi tối sẽ có thương lái đến lấy. Còn họ ở đâu, thu mua về làm gì thì cũng không biết rõ”. Do đỉa bám vào chai khó đổ nên người bạn đi cùng tôi phải cắt trai để lấy từng con đỉa ra, thấy chúng tôi loay hoay với chai đỉa, con trai bà Nhâm nói: “Muốn đỉa sống, mà không bò ra ngoài thì lần sau các anh cho chúng vào túi nilon ấy. Để vào chai nhựa khó lấy ra và chúng có thể chết không ai mua đâu”.

 

Trao đổi với chính quyền xã Cát Nê về việc mua bán đỉa của người dân, ông Hoàng Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã cũng chỉ nghe thấy người dân kháo nhau về việc thu mua đỉa với giá cao, còn cán bộ xã cũng chưa ai nhìn thấy người dân đi bắt, đi bán đỉa bao giờ. Trước đây, có 1 người đến rao mua đỉa nhưng công an xã không cho thu mua trên địa bàn xã”. Khi chúng tôi hỏi “Tại sao lại không cho thu mua đỉa ?”, thì ông Hoàng Xuân Chiến nói: “Do đây là hàng hóa lạ, không biết rõ công ty hay doanh nghiệp nào mua và mua về với mục đích gì nên chính quyền xã không cho lái buôn thu mua!”.

 

Không chỉ tại xã Cát Nê, mà các xã lân cận như Ký Phú, Quân Chu, Văn Yên cũng xuất hiện việc người dân đi bắt đỉa bán. Việc thu mua đỉa sống đang đem lại nguồn lợi kinh tế trước mắt cho người dân nhưng về lâu dài, việc làm này có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và có thể dẫn đến việc người dân sẽ nuôi đỉa. Đỉa là loài kí sinh không có lợi, giống như ốc bươu vàng hay rùa tai đỏ, nếu chúng ta nuôi, khi gặp điều kiện tốt về nhiệt độ và được cung cấp đầy đủ thức ăn, đỉa sẽ phát triển đến mức không thể tưởng tượng nổi, nếu không có ai thu mua nữa thì hậu quả sẽ không thể lường trước được, khi đó “gậy ông lại đập lưng ông”, gây nguy hiểm cho động vật, thậm chí cả con người. Thiết nghĩ, chính quyền xã Cát Nê cũng như các xã nói trên cần sâu, sát thực tế hơn nữa để có những biện pháp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.