Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá XII

17:00, 08/07/2012

Từ ngày 10/7 đến 12/7, HĐND tỉnh khoá XII tổ chức Kỳ họp thứ 4 để bàn thảo và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để góp phần vào thành công của Kỳ họp,  Báo Thái Nguyên điện tử xin đăng tải một số ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp.

                               Đào tạo nghề cho nông dân vẫn còn bất cập

 

                              Ông Trần Chí Thanh, xã Bình Sơn, T.X Sông Công

 

Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xã hội quan tâm, hưởng ứng. Qua đó, nhiều người dân lâu nay chỉ biết bám ruộng đồng được tham gia các khóa học, vì đây là cơ hội để nông dân được rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một nghề thực thụ, để có thể từ đó tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan, đoàn thể tham gia lớp đào tạo nghề chưa tích cực hướng dẫn, định hướng phù hợp đối với người học nghề. Nói cách khác, ai muốn học nghề gì thì các trung tâm dạy nghề sẽ mở những lớp đó. Trong khi đó, nhu cầu học một số nghề lại chưa phù hợp với thực tế của thị trường. Vì thế, sau khi học xong thì rất ít người sống được bằng nghề mình đã học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề còn thiếu thốn, học viên chủ yếu vẫn phải học “chay”. Đó là những khó khăn, bất cập chủ yếu cần khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng và số lượng người được dạy nghề.

 

Cần có chế độ bồi dưỡng hợp lý cho cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư

 

Cử tri Chị Lăng Thị Mỹ, cán bộ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Phòng Thanh tra huyện Đồng Hỷ): Khối lượng công việc của cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo khá lớn. Hơn nữa, hầu hết các sự việc lại rất phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau. Căn cứ vào từng nội dung, vấn đề mà người cán bộ phải sàng lọc, phân loại, tham mưu cho từng cơ quan, cấp, ngành để giải quyết hoặc hướng dẫn người dân viết đơn và gửi đến đúng cơ quan, đúng cấp có thẩm quyền. Làm công việc này, bên cạnh yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, người cán bộ còn phải có thái độ đúng mực, ngay cả khi người dân “trút” nỗi bức xúc tại phòng tiếp dân… Với đặc thù công việc như vậy, tôi nghĩ rằng mức phụ cấp 25.000 đồng/ngày/người như trước đây là chưa hợp lý. Được biết, Thông tư liên tịch số 46/2012 của Bộ tài chính và Thanh tra Chính phủ có quy định chế độ bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (có hiệu lực từ ngày 1-5-2012). Chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ áp dụng chế độ bồi dưỡng hợp lý (100 nghìn đồng/ngày/người) cho đội ngũ cán bộ tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Cần thiết kế diện tích kênh mương thuỷ lợi đồng bộ trên cùng một tuyến

 

Ông Lê Trọng Hiếu, cử tri thôn Nong Nia, xã Định Biên (Định Hóa): Hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Bảo Linh về xã Định Biên (Định Hoá) phục vụ nước tưới cho hơn 50ha đất nông nghiệp của xã Định Biên. Tuy nhiên, có một đoạn kênh mương được thiết kế không đồng bộ với đoạn kênh mương ở đầu nguồn và hệ thống mương dẫn nước ở cánh đồng khiến việc dẫn nước về đồng ruộng không được đều, hay bị ách tắc, gây thiếu nước sản xuất... Cụ thể, đoạn kênh mương đầu nguồn và hệ thống mương dẫn nước tại cánh đồng có chiều rộng mương từ 40-45cm và chiều cao từ 35-40cm. Trong khi đó, đoạn kênh mương nằm giữa hệ thống dài hơn 1km từ khu vực thôn Làng Quặng tới trung tâm xã lại có thiết kế nhỏ hơn với chiều rộng mương là 25cm và chiều cao là 30cm. Đề nghị tỉnh, huyện xem xét, có phương án hỗ trợ xã Định Biên kinh phí để sửa chữa lại đoạn kênh mương có thiết kế nhỏ hơn, qua đó việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã được đảm bảo.

 

Cùng với đó, cử tri chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới, tỉnh quan tâm hơn nữa tới công tác sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh mương và công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Định Hóa để việc sản xuất nông nghiệp của địa phương được thuận lợi hơn.

Bà con khao khát được sửa chữa, bê tông con đường (Ông Nguyễn Văn Khoa, cử tri xóm Tranh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) Tân Khánh là 1 trong 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Bình,  theo lộ trình đề ra thì đến năm 2015 xã sẽ hoàn thành chương trình xây dựng thôn mới. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng giao thông nông thôn của xã vẫn còn rất kém. Được biết, xã có khoảng 47km đường giao thông liên thôn, xóm thì mới có khoảng 1km được bê tông hóa, còn lại đều là đường đất, trong đó có nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là tuyến đường từ trung tâm xã đi qua các xóm phía Đông của xã là: Bằng Sơn, Tranh, Cầu Cong và xóm Kê. Mỗi khi mùa mưa đến là người dân lại phải “đánh vật” với con đường trơn trượt và lầy lội. Điều này cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các cháu học sinh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

 

Vì vậy, cử tri chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, xem xét, có phương án hỗ trợ kinh phí để xã Tân Khánh nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho 4 xóm: Bằng Sơn, Tranh, Cầu Cong và xóm Kê xây dựng đường bê tông để việc đi lại, giao thương của người dân bớt khó khăn.

 

 

Cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục (Ông Nguyễn Bá Sim, khối Cầu Rẽo, thị trấn Bãi Bông, Phổ Yên) Thực trạng nền giáo dục của ta hiện nay còn có rất nhiều bất cập, cụ thể như: Bệnh thành tích vẫn chưa thuyên giảm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng đỗ Đại học lại thấp; vẫn có tình trạng học hộ, học thuê, nhất là Đại học tại chức. Vì thế, nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc khó tìm được việc theo đúng ngành nghề đã học. Bên cạnh đó, các môn khoa học xã hội chưa được quan tâm đúng mức, học sinh không mấy hứng thú học và điểm thi các môn này thường rất thấp. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới tỉnh ta tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra công tác dạy và học, đánh giá đúng thực chất của học sinh, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp dạy học bộ môn khoa học xã hội theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, làm cho học sinh yêu thích môn học hơn, tránh việc học lệch, học chạy theo thi cử.