Sôi nổi tại các tổ thảo luận

18:57, 11/07/2012

Trong ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận ở tổ về các nội dung trình tại Kỳ họp. Tại 4 tổ thảo luận, các đại biểu HĐND và đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã có hơn 60 ý kiến đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan. Không khí thảo luận diễn ra sôi nổi, nghiêm túc và khá tập trung. TNĐT đăng tải lược ghi những ý kiến đó

+ Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm: Các đại biểu Nguyễn Như Tuấn, Nguyễn Văn Khoa (Đoàn Phổ Yên) và ông Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, trong phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nên đề xuất giải pháp để khắc phục những yếu kém và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, trong đó đề nghị các ngành, cấp phải nêu rõ nguyên nhân tồn tại, giải pháp khắc phục ở từng ngành, cấp để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2012.

 

Đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (Đoàn T.X Sông Công) đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 21,5% trong 6 tháng cuối năm nay là căn cứ vào đâu? Vì hiện nay tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Theo ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa thì hiện nay chúng ta đang có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì không chỉ có các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà bản thân người nông dân cũng chịu những tác động xấu. Ngươi nông dân trong tỉnh hiện đang rất khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi bởi giá vật tư tăng cao, đầu ra sản phẩm gặp trở ngại làm giảm thu nhập của bà con. Vì thế, đề nghị tỉnh nghiên cứu, có chính sách cụ thể, phù hợp nhằm hỗ trợ cho người nông dân ổn định sản xuất, nâng cao đời sống…

 

+ Về tình hình tội phạm, tai, tệ nạn xã hội: Đại biểu Lê Quang Dực (Đoàn Phú Lương) cho rằng, các số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tại Kỳ họp về tình hình tội phạm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây là vấn đề đáng quan tâm và cần phải được làm rõ, song cơ quan báo cáo đã không chỉ rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng và cũng chưa có tham mưu, đề xuất với tỉnh về phương án giải quyết, góp phần hạn chế thực trạng trên trong những tháng cuối năm.

 

Đại biểu Lê Quang Dực cũng bày tỏ sự quan ngại đối với một số biểu hiện mê tín dị đoan đang ngày một gia tăng trên địa bàn thời gian gần đây. Một số tôn giáo không chính thống đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý của các cấp chính quyền cơ sở để thâm nhập vào một bộ phận quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa cua bà con. Do đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh…

 

+ Về  quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2012-2013, mức thu phí đấu giá và mức thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước trên địa bàn: Đại biểu Dương Ngọc Long (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng mức đề xuất tăng khoảng 10% học phí so với năm học 2011-2012 là không cao so với các tỉnh trong khu vực và chỉ bằng 50% so với mức cao nhất theo quy định của Chính phủ. Về mức tăng học phí, ông Vũ Mạnh Phú, Giám đốc Sở Tài chính cũng cho là phù hợp. Ông cho rằng nếu học phí không tăng trong năm học tới thì rất có thể năm học sau nữa cũng sẽ phải tăng, và khi đó áp lực từ nhiều mặt có thể buộc học phí tăng cao hơn mức 10% và gây tâm lý không tốt cho phụ huynh.

 

Đại biểu Lê Văn Tuấn (Đoàn T.P Thái Nguyên) đồng tình với mức tăng thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tăng này UBND tỉnh phải có biện pháp thiết thực để các cơ sở y tế dùng tiền thu tăng thêm đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đầu tư cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân…

 

+ Về vấn đề quản lý tài nguyên, khoáng sản: Đối với quản lý khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (Đoàn Võ Nhai) bức xúc: Hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản đều do tỉnh cấp phép và quản lý, nhưng thực tế cho thấy quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn, môi trường… đối với các chủ mỏ của tỉnh còn chưa triệt để. Tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép còn diễn ra phổ biến nhưng không được giải quyết kịp thời, làm thất thoát tài nguyên, gây bức xúc trong nhân dân…

 

Đối với tài nguyên rừng, ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa bày tỏ sự băn khoăn về kế hoạch giảm diện tích đất rừng phòng hộ trên địa bàn đến năm 2020. Theo kế hoạch trình Kỳ họp HĐND tỉnh lần này thì hiện tại cả tỉnh đang có trên 34.000ha đất rừng phòng hộ, đến năm 2020 sẽ giảm xuống còn 9.700ha. Chúng ta đều biết vai trò quan trọng của rừng phòng hộ trong việc tạo nguồn nước sinh hoạt, canh tác cho nhân dân. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn nước canh tác và sinh hoạt, nếu theo kế hoạch trên thì đến năm 2020 tình trạng khủng hoảng về nguồn nước, nhất là tại các huyện miền núi, vùng cao sẽ khó tránh khỏi. Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh xem xét, làm rõ và điều chỉnh cho phù hợp...

 

Đối với tài nguyên đất, theo đại biểu Đinh Khắc Hiển (Đoàn Phú Bình) thì số liệu trong Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Thái Nguyên không trùng khớp với số liệu tại các báo cáo của UBND tỉnh, số liệu diện tích đất tự nhiên của tỉnh không khớp với diện tích được ghi trong một số văn bản khác. Đại biểu Đinh Khắc Hiển đề nghị cần khắc phục tình trạng cấp đất chồng lấn, sử dụng đất lãng phí…

 

Đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (Đoàn T.X Sông Công) cho rằng có sự không hợp lý khi đưa ra đề xuất tại Kỳ họp lần này là hạn chế luân chuyển cán bộ địa chính cấp xã bởi theo một số quy định hiện hành về phòng, chống tham nhũng, chức năng này cần luân chuyển thường xuyên.

 

Đại biểu Dương Văn Lành (Đoàn Đồng Hỷ) đề nghị: Mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2016 mới hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các nông, lâm trường trên địa bàn là quá chậm, đề nghị nên rút ngắn thời gian hơn và tập trung rà soát, hoàn thiện lập quy hoạch, cấp GCNQSDĐ ở những nông, lâm trường còn đang gây nhiều bức xúc trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết, như: Công ty Ván dăm; các lâm trường: Đại Từ, Võ Nhai, Nông trường Phú Lương…

 

+ Về vấn đề xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông: Đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (Đoàn Võ Nhai) và một số đại biểu khác cùng cho rằng một số tuyến đường giao thông cấp huyện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi chưa tiến hành tu bổ, sửa chữa được thì không ít dự án giao thông mặc dù được phê duyệt từ lâu nhưng chưa được triển khai. Vì thế tỉnh cần cân đối nguồn vốn hợp lý để đầu tư, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt, việc đi lại cho bà con. Còn đại biểu Dương Văn Hưng (Đoàn Phú Bình) đề nghị cần xây dựng Đề án duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Đoàn Phổ Yên) thì Quốc lộ 3 cũ đang là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, song hiện nay tiến độ cải tạo, nâng cấp thực hiện rất chậm, gây khó khăn trong đi lại cho nhân dân và ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy tỉnh cần có giải pháp tích cực, tập trung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ…

 

+ Về vấn đề xây dựng nông thôn mới: Các đại biểu Lương Trung Hà (đoàn Phú Lương), Nguyễn Văn Khoa (Đoàn Phổ Yên), Lưu Văn Toán (Đoàn Đại Từ) đều cho rằng chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng quy hoạch, nên dồn nguồn lực cho các xã điểm để đến năm 2015 các xã này hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chứ không nên phân bổ dàn trải; đề nghị sớm có kế hoạch ngay từ đầu năm và có cơ chế để các địa phương triển khai đồng bộ. Đại biểu Đặng Viết Thuần (Đoàn Đại Từ) đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra thực tế quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành liên quan; cần xây dựng cơ chế sử dụng chung hạ tầng…

 

+ Về vấn đề cải cách hành chính: Đại biểu Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Cải cách hành chính cần phải xem xét lại, nên nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao năng lực giải quyết công việc. Đại biểu Cù Xuân Thu (Đoàn Phổ Yên) cho rằng: Để thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thì chúng ta cần quan tâm đến 4 yếu tố: Cơ chế, chính sách; an ninh trật tự; cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính. Trong đó, cơ chế, chính sách và cải cách hành chính là 2 yếu tố quan trọng nhất. Nhưng hiện nay, 2 yếu tố này ở tỉnh đang còn bất cập: Lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ khi có nhà đầu tư đến địa phương, nhưng một số cán bộ, công chức tham mưu giúp việc ở các cấp, ngành thì tinh thần trách nhiệm chưa cao; thủ tục hành chính chưa gọn nhẹ, thời gian kéo dài làm cho doanh nghiệp bị mất cơ hội đầu tư, thậm chí còn gây thua thiệt cho doanh nghiệp. Đề nghị tỉnh cần tiếp tục rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính hơn nữa ở một số lĩnh vực cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách nên ổn định, thống nhất cao giữa các ngành, các cấp để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư… 

 

+ Tại các tổ thảo luận, nhiều vấn đề “nóng” khác như: Tình hình thu ngân sách; thực hiện Nghị quyết số 13 của Chính phủ; tình hình tai nạn giao thông; phát triển nhân lực; chính sách hỗ trợ đầu tư… cũng được các đại biểu thảo luận và cho ý kiến.