Nỗi lo từ thị trường Tết Trung thu

07:59, 26/09/2012

Những ngày gần đây, dạo quanh thị trường các loại hàng hóa phục vụ Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn T.P Thái Nguyên nói riêng, ở các địa phương khác nói chung, nhiều bậc phụ huynh sẽ không khỏi lo lắng, băn khoăn về nhiều  điều. Trong khi đó, các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thì vì lợi nhuận trước mắt mà không cần đếm xỉa đến những hậu quả nặng nề và lâu dài.

Thực tế cho thấy, không chỉ là thực phẩm mà nhiều thứ hàng hóa khác, nhất là đồ chơi cho các cháu trong dịp Tết Trung thu ở hầu hết các cửa hàng đều thuộc diện bị nghiêm cấm. Bởi đó là các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, không niêm yết giá bán, đặc biệt nguy hiểm là nhiều loại đồ chơi gây ảnh hưởng về sự bạo lực, hoang tưởng đối với các cháu, hoặc có chứa chất độc hại cho sức khỏe của trẻ em.

 

Về thực phẩm, khác với nhiều nước trong khu vực, Tết Trung thu ở Việt Nam chủ yếu dành cho thiếu nhi và thực phẩm trong dịp “phá cỗ trông trăng” chủ yếu là hoa quả và bánh ngọt dành cho các cháu. Chất lượng của các loại thực phẩm này như thế nào? Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin: Bánh được làm ở những nơi mất vệ sinh nghiêm trọng; ruột bánh thường được làm bằng thịt ôi thiu; hoa quả thì ngâm trong thuốc bảo quản, bên trong khô mốc nhưng vỏ ngoài vẫn tươi sau hàng tháng. Còn nước uống có rất nhiều loại bị pha phẩm màu, dùng đường hóa học, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, chai lọ không được tiệt trùng…

 

Một vấn đề nghiêm trọng nữa là về đồ chơi dành cho các cháu thiếu nhi trong dịp này. Bên cạnh một số ít các loại đồ chơi truyền thống của dân tộc (như đèn ông sao, đèn kéo quân, chong chóng giấy bóng kính…) là nhan nhản những loại đồ chơi nhựa (từ siêu nhân, các loại xe tăng, máy bay đến đao, kiếm…) có hình thù bắt mắt (hoặc… cổ quái) nhưng lại kích thích tính bạo lực, phiêu lưu hoặc hoang tưởng của các cháu theo các nhân vật trong phim hoạt hình đang ăn khách của nước ngoài. Cá biệt, nhiều thứ đồ chơi như đao, kiếm, súng bắn đạn nhựa… không chỉ có tác hại xấu về tâm lý mà còn gây nguy hiểm cho người chơi (mà ở đây là các cháu thiếu nhi). Đáng lo ngại hơn, các đồ chơi này còn chứa các chất độc hại (như chì và các kim loại nặng, chất gây ung thư…). Vậy mà, theo chị H., chủ một quầy hàng bán các loại đồ chơi này trên đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) thì “các cháu chọn mua rất nhiều, trong khi phụ huynh thường tặc lưỡi chiều con”…

 

Như chúng ta đã biết, lâu nay, để bảo vệ trẻ em, nhiều nước trên thế giới (nhất là ở châu Âu, châu Mỹ) đã cấm nhập khẩu những loại đồ chơi này vào nước họ. Nhưng ở ta thì sao? Riêng về đồ chơi và một số loại thực phẩm gây ảnh hưởng độc hại đối với trẻ em (chủ yếu nhập từ Trung Quốc) thì chúng ta chưa có một cuộc tịch thu, tiêu hủy, phạt hành chính, phạt kinh doanh trái phép nào đáng chú ý; cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý tình trạng vi phạm thương mại ở tầm vĩ mô. Và vì thế, các loại hàng hóa gây độc hại cả về thể chất và tinh thần của các cháu nhỏ vẫn ồ ạt tuồn về, có mặt khắp nơi trên thị trường ở cả thành phố và khu vực nông thôn hiện nay…

 

Từ thực trạng đó, dư luận đang chờ đợi những động thái nghiêm túc, quyết liệt từ các cơ quan chức năng trong dịp này, và cả lâu dài về sau.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ các bậc làm cha, làm mẹ cũng nên hết sức lưu tâm đến vấn đề này, đừng vì chiều con cháu hoặc do thiếu hiểu biết mà có thể gây ra những hậu quả khôn lường với thế hệ tương lai của đất nước.

 

Hãy để dịp Tết Trung thu, các cháu được tham gia những trò chơi lành mạnh, bổ ích, được hưởng niềm vui trọn vẹn hơn.