HĐND tỉnh giám sát tại BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng

15:12, 23/10/2012

Thực hiện Kế hoạch giám sát của HĐND tỉnh, ngày 23/10, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức buổi giám sát trực tiếp việc thực hiện pháp luật về bảo vệ rừng tại Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (xã Cúc Đường - Võ Nhai). Đồng chí Nguyễn Thế Đề, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát. Tham dự có các đồng chí: Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, HĐND huyện Võ Nhai và đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Đoàn giám sát đã nghe lãnh đạo BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và UBND huyện Võ Nhai báo cáo tình hình tổ chức bộ máy cán bộ, công tác quản lý, sử dụng biên chế của lực lượng Kiểm lâm cũng như kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, những vướng mắc, khó khăn và đề xuất, kiến nghị. Theo đó, BQL Khu bảo tồn được giao quản lý, bảo vệ trên 40,2 nghìn héc ta rừng và đất lâm nghiệp tại địa bàn 6 xã phía Bắc cộng với xã Phú Thượng và thị trấn Đình Cả của huyện Võ Nhai. Số diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các địa phương còn lại do Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đảm nhiệm. Hiện BQL có 41 cán bộ, trong đó có 32 cán bộ công chức, viên chức, còn lại là hợp đồng. Trong BQL Khu bảo tồn có một đơn vị trực thuộc là Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng (gồm 5 trạm kiểm lâm địa bàn). Trưởng BQL Khu bảo tồn được bố trí kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng. Năm 2010, lực lượng Kiểm lâm tại đây đã lập biên bản, chuyển xử lý 83 vụ vi phạm Lâm luật; năm 2011 chuyển xử lý 232 vụ; 9 tháng năm 2012 xử lý 179 vụ…

 

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã nêu nhiều ý kiến thắc mắc, đề nghị đơn vị được giám sát làm rõ các vấn đề về phân định quản lý giữa BQL Khu bảo tồn và Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai; mối quan hệ, phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với chính quyền địa phương và các thành phần liên quan; tình hình hoạt động khoáng sản trong Khu bảo tồn cũng như việc lựa chọn mô hình khoán quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, các thành viên đoàn cũng đề cập nhiều đến các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán trái phép lâm sản trên địa bàn.

 

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh yêu cầu BQL Khu bảo tồn có báo cáo bổ sung bằng văn bản trả lời ý kiến đề nghị của các thành viên trong đoàn, trong đó cần làm rõ những thuận lợi, khó khăn, đặc điểm tình hình địa phương và những điểm mới trong thực thi nhiệm vụ được giao. Đồng chí cũng đề nghị huyện Võ Nhai kiểm tra lại công tác quy hoạch diện tích 3 loại rừng trong Khu bảo tồn; đề xuất các biện pháp xử lý những trường hợp khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng chí đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh rà soát lại công tác quản lý bảo vệ rừng trên toàn địa bàn huyện Võ Nhai, trong đó chú trọng đến cơ chế, chính sách, chế độ cho những người tham gia quản lý bảo vệ rừng…