Lựa chọn tối ưu cho vụ Đông

13:51, 03/10/2012

Thời điểm này năm ngoái, lúa mùa của nông dân trong tỉnh vẫn chưa được thu hoạch. Năm nay thời tiết thuận lợi, bà con thu hoạch lúa mùa sớm hơn nên  nhiều thửa ruộng giờ đã được cày xới để trồng ngô, khoai...

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng trên 16 nghìn ha cây màu vụ đông, trongha. Các giống được đưa vào gieo trồng chủ yếu là ngô lai LVN45, LVN4, NK 4300; khoai lang Hoàng Long, bí xanh, dưa chuột, khoai tây Hà Lan… Theo lịch thời vụ, trồng ngô, rau xanh sẽ kết thúc vào ngày 5-10; khoai tây, thời vụ gieo trồng sẽ kết thúc trước ngày 15-11.

 

Theo thông tin từ ngành Nông nghiệp, đến đầu tháng 10, toàn tỉnh đã hoàn thành thu hoạch 14.000ha lúa mùa sớm. Thu  hoạch lúa xong đến đâu, bà con làm đất trồng cây màu vụ đông đến đó. Hiện nay, nông dân chủ yếu tập trung trồng ngô. Nhiều diện tích ngô được xuống giống từ giữa tháng 9 hoặc được bà con ươm bầu nên ở một số địa phương như Phú Bình, T.X Sông Công, Phổ Yên… ngô đã bắt đầu lên 3-5 lá. Vụ này, tỉnh ta vẫn tiếp tục hỗ trợ 6.000 đồng/kg giá giống ngô lai; 120 nghìn đồng/ha khoai tây và 50 nghìn đồng/ha đỗ tương…

 

Khung cảnh nhộn nhịp, người cuốc đất, kẻ trồng cây, gieo hạt trên những cánh đồng phì nhiêu cho chúng tôi cảm nhận về một vụ đông đến sớm hơn mọi năm. Vụ đông đã thật sự trở thành vụ mùa chính, mang lại thu nhập khá cao cho người dân trong tỉnh, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất. Bà Ngô Thị Bình, xóm Làng Đông, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho hay: Trồng rau vụ đông, gia đình tôi thu nhập gần chục triệu đồng/sào/vụ. Còn theo bà Hà Thị Mị, xóm Quyết Tiến 1, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên): Không trồng vụ đông là lãng phí đất. Như gia đình tôi, vụ đông năm nào cũng trồng 2-3 sào ngô nếp, thu nhập trên 10 triệu đồng, cao gấp đôi so với cấy lúa.

 

Tuy nhiên, diện tích cây trồng vụ đông của tỉnh những năm qua tăng không nhiều, hơn nữa, cơ cấu cây trồng vụ đông chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào các loại cây như ngô, khoai lang, rau xanh. Các địa phương có thế mạnh về trồng cây vụ đông vẫn chưa định hướng cho nông dân trồng những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng. Bà con chủ yếu sản xuất theo nhu cầu thị trường (nhất là đối với các loại rau xanh) nên có lúc đã xảy ra tình trạng sản phẩm nông nghiệp làm ra, cung vượt quá cầu, bị mất giá, dẫn đến thua thiệt cho người nông dân.

 

Bà Lê Thị Nụ, một người dân ở xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận (Đại Từ) nói: Năm ngoái, gia đình tôi trồng 3 sào su hào để phục vụ dịp Tết Nhâm Thìn. Nhưng do có quá nhiều hộ trong xã cùng trồng loại cây này nên giá bán bị giảm chỉ còn một nửa so với 2 tháng trước Tết.

 

Qua gần 20 năm đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ đông, trình độ thâm canh của nông dân trong tỉnh đã được nâng lên, nhưng những khó khăn trong vấn đề đầu ra cho sản phẩm lại chính là rào cản lớn nhất để người nông dân mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Do đó, để mỗi héc-ta đất canh tác cho giá trị kinh tế cao trong vụ đông thì đầu ra cho sản phẩm phải ổn định.

 

 Muốn làm được điều này, trước hết, các cấp, ngành liên quan cần chỉ đạo các địa phương quy hoạch đất để sản xuất cây trồng vụ đông. Tuy nhiên, khi quy hoạch, cần xem xét điều kiện sản xuất vụ động của mỗi địa phương, nhất là những địa phương có thế mạnh, từ đó, xây dựng được vùng trồng cây vụ đông tập trung, tạo được khối lượng hàng hóa lớn, có sức hút thị trường và thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng…

 

Song hành với đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nhau, nông dân với thương lái, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thông qua các hợp đồng; mở các hình thức dịch vụ cung ứng giống, vật tư, hóa chất bảo vệ thực vật, làm đất, gieo ươm giống cây. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn những giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; bố trí cơ cấu thời vụ, giống cây trồng sao cho phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương và tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất vụ đông.

 

Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng: Các địa phương cũng cần xác định được cơ cấu giống cây trồng có lợi thế, cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là những cây trồng mà người dân đang sản xuất. Đơn cử như cây củ đậu ở xã Linh Sơn (Đồng Hỷ); ngô lai ở các xã vùng cao Võ Nhai; ngô nếp, ngô ngọt ở các xã vùng ven T.P Thái Nguyên và rau an toàn ở xã Linh Sơn, Huống Thượng (Đồng Hỷ)…