Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê gốc của vua Lý Nam Đế

15:52, 06/10/2012

Đó là nội dung Hội thảo khoa học do Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) và Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình tổ chức sáng 6/10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhằm làm sáng tỏ thêm một bước về quê hương, dòng họ, gia thế của vua Lý Nam Đế và vị thế của Vương triều Tiền Lý đối với lịch sử dân tộc, nhân kỷ niệm 1.470 năm cuộc khởi nghĩa Lý Bí (542-2012).

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Hội thảo với sự có mặt của trên 200 đại biểu đại diện các nhà sử học, các nhà khoa học của Viện sử học, Viên nghiên cứu Hán Nôm, Viện Lịch sử quân sự, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và đại diện chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên, Thành phố Hà Nội. Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số ban ngành đại diện cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội thảo.

 

Cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương do Lý Bí lãnh đạo nổ ra vào đầu năm 542 đã thu được thắng lợi vang dội dẫn đến việc Lý Bí xưng Đế hiệu (Lý Nam Đế) năm 544, đặt niên hiệu Thiên Đức, dựng nước Vạn Xuân. Công lao và sự nghiệp của vua Lý Nam Đế là hết sức to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, có một khoảng trống lớn trong tiểu sử của vị Anh hùng dân tộc họ Lý ở thế kỷ thứ VI này là hơn một nghìn năm qua, sử sách không cho biết quê hương cụ thể của Ông ở đâu. Trong khoảng vài chục năm lại đây, giới sử học Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu vấn đề trên, nhưng cho đến nay dường như chưa có sự thống nhất cao.

 

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng dân tộc trước khi diễn ra Hội thảo.

 

Với tinh thần tự hào dân tộc, uống nước nhớ nguồn và niềm say mê nghiên cứu khoa học, đã có trên 30 tham luận của các giáo sư, nhà sử học hàng đầu Việt Nam được chuẩn bị công phu và gửi đến Hội thảo. Các tham luận và ý kiến thảo luận của các đại biểu được trình bày tại Hội thảo đã làm sáng tỏ thêm những tồn nghi khoa học lịch sử về Vương triều Tiền Lý và quê gốc của vua Lý Nam Đế.

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Giáo sư Viện sỹ Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định: Những kết quả nghiên cứu của các giáo sư, nhà sử học đầu ngành thời gian gần đây đã góp phần làm sáng tỏ thêm về quê gốc của vua Lý Nam Đế. Tuy nhiên nguồn tư liệu vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu là tư liệu địa phương, lưu truyền trong dân gian. Giáo sư Viện sỹ đề nghị các nhà nghiên cứu cần tiếp tục tìm tòi, khai thác tư liệu để phát hiện thêm những vấn đề mới, góp phần khẳng định một cách chính thức với tính thống nhất cao về quê hương của Đức vua Lý Nam Đế  - Anh hùng dân tộc, vị Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sống và hoạt động vào thế kỷ thứ VI./.

  

*******

Lời tri ân sâu sắc

   

 Việc xác định nơi đâu là quê hương đích thực của Đức vua Lý Nam Đế là trách nhiệm của giới sử học Việt Nam không chỉ đối với lịch sử, mà còn là nhiệm vụ cấp thiết cần làm rõ một nghi án lịch sử trước nhân dân, nhất là trước thế hệ trẻ hôm nay và cả ngày mai. Nhân dịp Hội thảo “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê gốc của vua Lý Nam Đế”, chúng tôi xin giới thiệu lược ghi một số ý kiến phát biểu tại Hội thảo.

 

 PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học Việt Nam: Qua những tư liệu và chứng cứ thu thập được của nhà sử học người Pháp H.Maspero trong cuốn Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên trích dẫn), chúng ta thấy rằng “Làng Cổ Pháp được coi là gốc tích của Lý Bí” chỉ có thể là làng Cổ pháp thuộc xã Tiên Thù, tổng Tiên Thù, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, làng Cổ Pháp - “Gốc tích của Lý Bí” thuộc xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần phải “trả” Đức vua Lý Nam Đế về với quê hương đích thực của Người.

 

Nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh - Phổ Yên, Thái Nguyên: Lịch sử trôi qua đã 15 thế kỷ, những tư liệu, căn cứ lịch sử về thời đại, con người đó không còn nhiều nhưng những gì còn để lại trên gỗ, đá, trong tâm trí của nhân dân… cũng có thể cho chúng ta kết luận được rằng, trên mảnh đất Việt Nam yêu qúy này, ở thế kỷ thứ VI đã xuất hiện một con người vĩ đại. Con người đó là Anh hùng dân tộc Lý Bí - Lý Nam Đế đã lập nên Nhà nước Vạn Xuân. Quê hương gốc của Ông chính là vùng Thái Bình - Cổ Pháp xưa thuộc châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc; ngày nay thuộc thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

 

Đại đức Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Hương Ấp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên: Tương truyền lại, khi 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp tổ Thiền sư đưa về chùa Hương Ấp làm chú tiểu, năm 13 tuổi Pháp tổ Thiền sư đưa về chùa Linh Bảo, làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Đó là vinh dự của nhà chùa và cũng là trách nhiệm mà lịch sử đã trao cho nhà chùa để sau này có một Lý Bí - Lý Nam Đế, vị hoàng đế đầu tiên tuyên bố nền độc lập, tự chủ của đất nước trước triều đình phong kiến phương Bắc. Để tưởng nhớ Ngày khai binh dựng nghiệp, ngày sinh và ngày mất của Ông, người dân bấy lâu nay đã lấy ngày 12 đến 15 tháng giêng hàng năm là ngày Lệ làng. Những ký ức đó đã ăn sâu vào máu thịt và truyền từ đời này sang đời khác.

 

Giáo sư Viện sỹ Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Rõ ràng chúng ta đã tìm được hai địa điểm có đầy đủ chứng cứ nhất có thể xác định quê gốc của vua Lý Nam Đế để bổ xung vào sử sách. Đó là xã Giang Xá, huyện Hoài Đức Thành phố Hà Nội và thôn Cổ Pháp xã Tiên Phong huyện Phổ Yên Tỉnh Thái Nguyên. Vấn đề ở đây là chúng ta cần giám định thêm về mối quan hệ của 2 xã Giang Xá và Tiên Phong để đi đến kết luận chính thức. Giáo sư cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên, huyện Phổ Yên cùng với ngành Văn hóa tiếp tục quan tâm gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử liên quan đến quê hương của vua Lý Nam Đế để phục vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

 

 Ông Hoàng Công Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong huyện Phổ Yên đại diện nhân dân Thôn Cổ Pháp - xã Tiên Phong: Thời gian cứ trôi đi hết thế hệ này đến thế hệ khác ở Cổ Pháp, Thái Bình. Dù còn gặp khó khăn về kinh tế, dù đền chùa còn bé nhỏ nhưng với lòng tự hào và kính trọng, nhân dân địa phương vẫn thờ cúng vị Hoàng Đế đã khai sinh ra Nhà nước Vạn Xuân. Chúng tôi tha thiết đề nghị với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sau cuộc Hội thảo này sớm xác định và công nhận làng Cổ Pháp là quê gốc, chùa Hương Ấp là chốn Tổ và Đền Mục là nơi thờ Lý Nam Đế, là di tích lịch sử cấp Quốc gia và đầu tư tu bổ, xây dựng lại đền, đình, chùa nơi đây xứng tầm với tầm vóc của một vị Hoàng đế.