Qua đợt kiểm tra mới đây của UBND tỉnh về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012, phương hướng năm 2013 tại các ngành, địa phương, nhiều vấn đề cốt lõi được xem là "nút thắt" của nền kinh tế đã được chỉ ra. Ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những giải pháp cấp bách của tỉnh nhằm tháo gỡ các "nút thắt" này.
P.V: Được biết, sau khi kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2012, tỉnh đã chỉ ra một số chỉ tiêu còn đạt thấp, khó hoàn thành kế hoạch năm. Đó là những chỉ tiêu nào, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Ngọc Long: Qua rà soát, trong các nhóm chỉ tiêu KT-XH chủ yếu, tỉnh ta có 2 chỉ tiêu đạt thấp và khó có khả năng hoàn thành, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Tính đến hết tháng 9-2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh mới đạt khoảng 6,3%, dự ước cả năm chỉ đạt khoảng 8% (thấp hơn 3% so với kế hoạch đề ra). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp 9 tháng đạt 64,3% kế hoạch và dự báo cả năm cũng chỉ đạt 94,1%. Các chỉ tiêu KT-XH còn lại đều có thể đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
P.V: Vậy, theo đồng chí, những nguyên nhân chủ yếu nào khiến hai chỉ tiêu quan trọng của tỉnh lại khó có thể hoàn thành?
Đ/c Dương Ngọc Long: Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và sự phục hồi chậm của kinh tế trong nước. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước trong năm nay chỉ đạt khoảng 5,2%, trong khi kế hoạch đề ra phải đạt từ 6% đến 6,5%. Kinh tế Thái Nguyên cũng nằm trong tình trạng khó khăn chung đó. Sự tác động xấu của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh như: sắt thép, xi măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng khác. Sản lượng thép đã giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, xi măng mới đạt khoảng 50% công suất thiết kế... Trong khi đó, các doanh nghiệp của chúng ta đầu tư quy mô lớn còn rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp nên tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế…
P.V: Trước tình hình đó, tỉnh đã có những giải pháp cấp bách gì để có thể mang lại hiệu quả, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Ngọc Long: Trước thực tế đó, một mặt tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, mặt khác yêu cầu các ngành tiến hành rà soát các chỉ tiêu còn đạt thấp, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời. Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát đơn giá thuê đất của doanh nghiệp, xem xét giải quyết theo hướng điều chỉnh giảm để doanh nghiệp bớt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện việc xác định nghĩa vụ tài chính với các doanh nghiệp nhằm tạm hoãn, giãn các khoản theo quy định; tiếp tục thực hiện cơ chế cho vay xi măng (40 nghìn tấn) để kích cầu tiêu thụ hàng hóa phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn tại các địa phương; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, các hạng mục đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng; thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư...
P.V: Năm 2013 được nhận định là năm nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là vấn đề giải ngân nguồn vốn. Vậy, thưa đồng chí, ngay từ bây giờ tỉnh ta đã có những giải pháp mang tính ứng phó nào chưa?
Đ/c Dương Ngọc Long: Vấn đề này đã được tỉnh xem xét, nhận định và đang xây dựng kế hoạch với những nhóm giải pháp đột phá, quan trọng. Trong năm 2013, khó khăn lớn nhất được xác định chính là vấn đề nguồn vốn đầu tư, khả năng giải ngân và thanh khoản. Đây là "nút thắt" kinh tế quan trọng, bởi thế, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành xây dựng cơ chế phân bổ nguồn vốn đầu tư của tỉnh theo hướng tập trung. Theo đó, ưu tiên số 1 của tỉnh là bố trí vốn cho các khoản nợ đã đến hạn phải trả. Ưu tiên số 2 là những khoản chi mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết, như: Bố trí 100% vốn cho các công trình hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán; vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ tiền đất, xây dựng cơ bản cho giáo dục không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư của địa phương. Ưu tiên 3 là vốn đối ứng các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ưu tiên 4 là vốn đầu tư cho các lĩnh vực, địa bàn có thể tạo bước đột phá phát triển KT-XH, tạo việc làm của tỉnh như: Đầu tư giải phóng khoảng 50ha mặt bằng sạch tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình để chủ động đón nhà đầu tư Samsung Việt Nam; giải phóng 50ha của KCN Điềm Thụy... Ưu tiên cuối cùng sẽ là vốn cho các công trình chuyển tiếp trên cơ sở rà soát kỹ từng hạng mục theo hướng ưu tiên những hạng mục hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2013...
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách phương pháp làm việc, tác phong, lề lối, đạo đức của cán bộ, công chức; chủ động tiếp nhận các thông tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tập thể, cá nhân nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng chung sức với tỉnh phát triển KT-XH ngày một ổn định và bền vững…
P.V: Khi vấn đề giải ngân vốn vẫn được xem là khó khăn và là "nút thắt" kinh tế quan trọng thì việc tiếp tục đầu tư vốn cho các công trình xây mới trong năm 2013 có được thực hiện không, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Ngọc Long: Năm 2012, tỉnh đã cho khởi công mới 6 công trình với tổng giá trị chỉ khoảng 28 tỷ đồng, nhưng vấn đề giải ngân cũng còn gặp khó khăn. Bởi thế, năm 2013, tỉnh sẽ hạn chế tối đa việc khởi công các công trình mới. Sẽ không khởi công công trình khi chưa bố trí được nguồn vốn, khởi công mới chỉ với các công trình thực sự cấp bách liên quan đến vấn đề phục vụ phòng, chống thiên tai, bão lũ...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Một số chỉ tiêu dự báo sẽ đạt và vượt kế hoạch năm 2012 * Giá trị xuất khẩu ước đạt 154 triệu USD, bằng 100% + Xuất khẩu địa phương đạt 125 triệu USD, bằng 100% * Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8%, vượt 2% kế hoạch + Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha diện tích đất nông nghiệp là 77 triệu đồng, bằng 100% + Diện tích trồng chè mới và trồng lại là 1.000ha, bằng 100% + Diện tích trồng rừng tập trung là 4.761ha, bằng 110% * Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.420 tỷ đồng, bằng 100% * Số lao động được tạo việc làm trong năm là 16.000 người, bằng 100% * Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,6%, bằng 100%. |