Xây dựng và phát triển thành phố Thái Nguyên xứng tầm khu vực

09:49, 18/10/2012

T.P Thái Nguyên, tiền thân là thị xã Thái Nguyên, là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc. Nơi đây còn vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn để xây dựng Khu Gang thép - trung tâm luyện kim đen đầu tiên của cả nước, vì vậy, thành phố có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

 Để phát huy vị thế của một trung tâm công nghiệp lớn, ngày 19-10-1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114 thành lập T.P Thái Nguyên trên cơ sở sát nhập thị xã Thái Nguyên và một số vùng lân cận với tổng diện tích tự nhiên là 16 km2, dân số khoảng 60 nghìn người, gồm 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã. 50 năm qua, thành phố đã qua nhiều lần điều chỉnh, chuyển đổi, nâng cấp để phù hợp với vị trí và tầm vóc của một thành phố mang tầm khu vực và không ngừng xây dựng, phát triển tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, thành phố đã có 19 phường, 9 xã với diện tích tự nhiên trên 18.630 ha; dân số gần 350 nghìn người. Ngày 1/9/2010, thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

 

Nhìn lại những năm đầu thành lập, thành phố còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn; kinh tế chậm phát triển; đời sống người dân còn thiếu thốn; thành phố đã phải hứng chịu những thiệt hại năng nề do chiến trang phá hoại của đế quốc Mỹ trong suốt gần 10 năm (1965-1975). Trong cuộc kháng chiến đó, thành phố đã đóng góp không ít sức người, sức của và được mệnh danh là “Thành phố Anh hùng”. Phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua thách thức, khó khăn.

 

Đến nay, thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực và đang trở thành đầu tầu kinh tế của tỉnh, tính riêng tốc độ tăng trưởng  bình quân trong 5 năm trở lại đây (2005-2010) đạt 14,6%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 48,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 47,37%; nông - lâm nghiệp chiếm 4,62%; giá trị tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tăng 1,32 lần so với năm 2005 và chiếm 50% của tỉnh (năm 2011 GDP đạt 13,2%); thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 37 triệu đồng/năm. Cơ cấu vùng kinh tế chuyển dịch theo hướng: hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế như xây dựng các khu, cụm công nghiệp; các khu trung tâm dịch vụ, du lịch; các khu chuyên canh sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo đô thị, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế phù hợp, tập trung sức xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 20 nghìn hộ kinh doanh, 2.200 doanh nghiệp và HTX đang hoạt động.

 

Công nghiệp và dịch vụ đã trở thành kinh tế mũi nhọn của thành phố với nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp của Trung ương và địa phương, liên doanh với nước ngoài. Hệ thống thương mại, dịch vụ phát triển, với 8 siêu thị, 100 cửa hàng tự chọn, gần 100 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có nhiều khách sạn 3 sao trở lên; trên 1 nghìn nhà hàng, điểm ăn uống giải khát đang hoạt động đã đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của khách khi tổ chức các sự kiện lớn cấp vùng, cấp Quốc gia kinh tế phát triển đã góp phần cải thiện đời sống người dân, tăng thu ngân sách. Đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố chiếm 50% tổng thu ngân sách của tỉnh.

 

Không chỉ phát triển kinh tế, thành phố còn chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục; đảm bảo ban sinh xã hội, an ninh, quốc phòng. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng được mở rộng về quy mô và chất lượng đào tạo và trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo lớn thứ 3 trong cả nước. Thành phố còn là trung tâm y tế khá phát triển với 9 bệnh viện đa khoa và nhiều trung tâm y tế đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân cho các tỉnh khu vực vùng Đông Bắc. 

 

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố tập trung chỉ đạo trong nhiều năm qua. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%. Các khu dân cư, đô thị mới  đang dần được hình thành; các công trình dịch vụ, thương mại, tài chính; hệ thống giao thông vận tải không ngừng được mở rộng; các khu chức năng được chỉnh trang, cải tạo đã tạo nên diện mạo mới của Thành phố trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

Với những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong 50 năm qua, T.P Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp này, cán bộ và nhân dân thành phố vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.

 

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố càng nhận thức sâu sắc ý thức, trách nhiệm của mình, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu là: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐN; phát triển mạnh kinh tế dịch vụ, hoạt động tài chính, ngân hàng, phát triển các thành phần kinh tế và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và quản lý đô thị theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tập trung xây dựng tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng T.P Thái Nguyên xứng đáng là trung tâm kinh tế đầu tàu của tỉnh; xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh và  vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.

 

Các phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân Thành phố Thái Nguyên trong 50 năm qua:

                                 - Danh hiệu  “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”;

                                 - Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba;

                                 - Huân chương Độc lập hạng Ba;

                                 - Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2012).