Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng - Hướng tới phát triển bền vững

18:47, 26/11/2012

Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng (KCHT) của tỉnh đã có bước chuyển đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Song thực tế cho thấy những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là phát triển KCHT còn nhiều hạn chế, thiếu các công trình tạo nên sự bứt phá và quyết định cho sự phát triển; chất lượng quy hoạch và thiết kế xây dựng chưa cao, thiếu tầm bao quát toàn diện và tính chiến lược lâu dài.

 

Bức tranh toàn cảnh

 

Tỉnh ta có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường thủy và đường sắt. Mạng lưới giao thông đường bộ được phân bố tương đối hợp lý bao gồm: Hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị và đường giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường đã và đang được cải tạo, nâng cấp, xây dựng.

 

Toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với tổng diện tích 1.420 ha, trong đó hai khu có doanh nghiệp hoạt động sản xuất (KCN Sông Công I và Nam Phổ Yên) thu hút được 72 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng. Các KCN còn lại đang trong quá trình lập quy hoạch hoặc đang triển khai xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư. Tỉnh có 31 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt với tổng diện tích là 1.178 ha, trong đó 19 CCN đã được phê duyệt kế hoạch chi tiết với tổng diện tích là 693 ha; 58 dự án đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng vốn đăng ký là 8.639 tỷ đồng.

 

Nguồn điện cung cấp cho tỉnh qua 2 nguồn chính là mua từ Trung Quốc và nguồn điện Việt Nam thông qua hệ thống truyền tải điện 220 KV. Trên địa bàn có hai Nhà máy điện là Cao Ngạn và Thủy điện Hồ Núi Cốc. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện là 99,18% (hiện còn 56 thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa được cung cấp điện). Toàn tỉnh hiện có 8 nhà máy nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65% dân đô thị (trong đó có 02 nhà máy lấy nguồn nước mặt là Nhà máy nước Tích Lương và Nhà máy nước Sông Công; 6 nhà máy lấy nguồn nước ngầm là các nhà máy nước Túc Duyên, Trại Cau, Đu, Đình Cả, Đại Từ và Nhà máy nước Chùa Hang). Khu vực nông thôn chủ yếu là dùng nước giếng hệ tự chảy và nguồn nước ngầm.

 

Về hạ tầng đô thị, toàn tỉnh hiện có 15 đô thị đã được Nhà nước công nhận bao gồm: Thành phố Thái Nguyên (đô thị loại I), Thị xã Sông Công (đô thị loại III), 7 thị trấn huyện lỵ và 6 thị trấn chuyên ngành được xếp đô thị loại V. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, đô thị như giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý rác thải đã được đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp; nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành. Hệ thống điện thoại đã được phủ sóng đến 100% trung tâm các xã; tổng số thuê bao điện thoại cố định đạt 113,224 thuê bao (mật độ 9,9 máy/100 dân). Mạng cáp truyền số liệu tốc độ cao được kết nối tới 54 đơn vị trên địa bàn; có hơn 700 trang thông tin điện tử hoạt động trên mạng Internet; có 355 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ cá thể kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử. Hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới trên địa bàn có 1.214 công trình, trong đó có 413 hồ chứa nước, 409 đập dâng kiên cố, 109 công trình phai đập, 283 trạm bơm. Toàn tỉnh hiện có 138 chợ, trong đó có 2 chợ loại I, 7 chợ loại II, còn lại là chợ loại III.

 

Trên địa bàn tỉnh có Đại học Thái Nguyên - Trung tâm giáo dục lớn thứ 3 của cả nước với 9 trường đại học; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề. Hệ thống mạng lưới các trường mầm non, phổ thông được phát triển đều khắp. Toàn tỉnh hiện có 541 cơ sở y tế, gồm: 21 bệnh viện, 26 phòng khám đa khoa, 181 trạm y tế, 2 nhà hộ sinh và 311 cơ sở y tế khác với 3.956 giường bệnh; có 152 xã đạt chuẩn y tế. Hệ thống hạ tầng du lịch có 173 cơ sở lưu trú (40 khách sạn, 132 nhà nghỉ); một số khu du lịch được hình thành và phát triển như Hồ núi Cốc, khu di tích lịch sử ATK, hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà…

 

Tuy nhiên, hệ thống các công trình KCHT vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thực sự đồng bộ. Hạ tầng các KCN, CCN còn yếu, đầu tư manh mún, chưa duy trì thường xuyên được quỹ đất sạch phục vụ cho thu hút đầu tư; việc kết nối giao thông giữa các KCN, CCN còn nhiều hạn chế nên tỉnh chưa thực sự là điểm đến của các nhà đầu tư. Hệ thống cung cấp điện còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng điện lưới và chưa thực sự ổn định, tổn thất điện năng còn lớn. Hệ thống hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

 

Xu hướng phát triển

 

Thiết thực triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động Xây dựng KCHT đồng bộ phục vụ mục tiêu xây dựng tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Trên cơ sở khảo sát cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, những định hướng lớn có tính tổng hợp, bao quát để các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tỉnh đã lựa chọn 3 lĩnh vực trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư trong thời gian tới. Đó là: Phát triển hệ thống giao thông; hạ tầng các KCN,CCN; hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.

 

Trong thời gian tới, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh sẽ được phát triển gắn với các tỉnh trong vùng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng hàng đầu để gia tăng mối giao lưu giữa tỉnh với Hà Nội và các tỉnh trong cả nước, khai thác tối đa lợi thế. Mạng lưới giao thông đường bộ cũng sẽ được quan tâm kết nối với hạ tầng các KCN, CCN, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong phát triển kinh tế. Với hạ tầng KCN, CCN, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phía nam của tỉnh, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao; đồng thời giải quyết căn bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh… cho lao động ở các KCN; hoàn chỉnh công trình KCHT trong các KCN, CCN, đặc biệt là các công trình hạ tầng xã hội và xử lý nước thải, rác thải. Về hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ: Tỉnh sẽ xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo động lực cho phát triển và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. Song song với 3 lĩnh vực trọng tâm trên, việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phụ trợ như điện, nước… nhằm nâng cao chất lượng cung cấp năng lượng phục vụ cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cũng sẽ được quan tâm.

 

Nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực đã được xác định. Các nhóm giải pháp cơ bản như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện quy hoạch; giải pháp về vốn đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng đã được chỉ rõ. Đây là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội vì sự phát triển bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ là nhân tố quan trọng để xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

 

- Toàn tỉnh có 4.671 km đường bộ (không kể hệ thống đường thôn, xóm, nội đồng). Trong đó, 3 tuyến quốc lộ có tổng chiều dài 178 km; 14 tuyến đường tỉnh lộ có tổng chiều dài 306 km; đường đô thị 142 km; đường huyện 825 km và đường xã 3.220 km; 46 km đường sông đang được khai thác, có 01 cảng sông (cảng Đa Phúc) đang hoạt động; 136,7 km đường sắt, gồm 4 tuyến là Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá, Gang thép - Trại Cau, Quán Triều - Núi Hồng.

 

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 trường Trung học phổ thông, 182 trường trung học cơ sở, 225 trường tiểu học và 210 trường mầm non, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, 03 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho con em nhân dân trên địa bàn, trong đó có 63% trường đạt chuẩn quốc gia.