Lược ghi ý kiến thảo luận tổ: Nhiều vấn đề được đề nghị làm rõ

09:12, 14/12/2012

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị các ngành liên quan trả lời, giải trình những vấn đề bức xúc được cử tri và đại biểu quan tâm. Báo Thái Nguyên xin lược ghi tóm tắt một số ý kiến thảo luận ở các tổ.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội  (KT-XH) năm 2012:

 

Đại biểu Lê Văn Tuấn (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Năm 2013, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 9%, cao hơn kết quả thực hiện năm nay trong khi đó dự báo tình hình phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều đại biểu băn khoăn. Nếu để chỉ tiêu 9% thì phải có những giải pháp chỉ đạo, điều hành hết sức quyết liệt. Hiện trên địa bàn thành phố có trên 2.400 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì năm nay có tới gần 500 doanh nghiệp đề nghị tạm dừng không nộp thuế. Đề nghị tỉnh cần khảo sát, điều tra, đánh giá đúng hiện trạng doanh nghiệp để tính toán tốc độ tăng trưởng (vì doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nộp ngân sách).

 

Về tờ trình hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các chi hội; mức chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia quản lý các trung tâm học tập cộng đồng

 

 Theo đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (T.X Sông Công): Mức hỗ trợ cho các chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn 2 triệu đồng/năm là hợp lý. Tuy nhiên, phần chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ quản lý, các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (giám đốc phụ cấp 0,4, phó giám đốc trung tâm 0,3 mức lương tối thiểu) cần xem xét lại. Thực tế các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động rất mức độ, mức phụ cấp chi như thế này thì cao hơn cả lãnh đạo phòng giáo dục (Trưởng phòng giáo dục phụ cấp trách nhiệm 0,3, phó phòng giáo dục 0,2). Tỉnh cần tính toán đảm bảo sự cân đối mặt bằng chung giữa các đơn vị, địa phương. Về vấn đề này cũng có ý kiến trái ngược nhau, đại biểu Bùi Đức Cường, (Đồng Hỷ), đại biểu Mai Thị Thúy Nga, Nguyễn Văn Mùi (Phú Bình) cho rằng: Hiện tại, các Trung tâm học tập cộng đồng đang hoạt động khá hiệu quả, đây là nơi triển khai rất nhiều hoạt động ở các lĩnh vực, song so với các tỉnh lân cận, Thái Nguyên là tỉnh thực hiện chính sách cho các cán bộ kiêm nhiệm ở các trung tâm là chậm. Vì vậy, việc có phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ quản lý ở các trung tâm là cần thiết, tuy nhiên, mức phụ cấp như thế nào cho hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung giữa các chức danh của các tổ chức chính trị- xã hội khác ở xã….

 

Về Đề án tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma tuý: Đại biểu Bùi Xuân Hoà (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Mục tiêu của Đề án đưa ra hàng năm giảm ít nhất 3-4% số người nghiện ma tuý nên sửa lại là giảm 3% trở lên. Để công tác phòng chống tệ nạn ma tuý hiệu quả phải làm tốt 3 việc là: tuyên truyền tốt, quản lý tốt, tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện. Tuy nhiên, trong Đề án mới chỉ nhấn mạnh công tác tuyên truyền mà chưa đi sâu vào các giải pháp tạo việc làm cho các đối tượng sau khi cai nghiện. Vì thế cần bổ sung các giải pháp tích cực để khi HĐND tỉnh thông qua thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực…

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hằng (Phú Bình): Hiện nay, việc cai nghiện ở một số mô hình kết quả còn khiêm tốn; song việc quản lý ở các trung tâm cai nghiện có chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, các mô hình cai nghiện hiện nay cũng đang rất lúng túng; việc thực hiện quản lý người nghiện ở các trung tâm của tỉnh phải có phán quyết của Tòa án nên việc quản lý người nghiện cần tăng cường xã hội hóa. Sắp tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số bộ, ngành liên quan tiếp tục bàn biện pháp cai nghiện bằng thuốc Cedemex thay thế có hiệu quả hơn. Song quan trọng vẫn là sự tham gia của người thân động viên, giúp đỡ người nghiện trong gia đình cai nghiện. Bên cạnh đó, cũng cần tạo việc làm cho người nghiện sẽ hiệu quả hơn. Đối với các nguồn kinh phí từ Trung ương chi cho Đề án cần điều chỉnh cho phù hợp.

 

Đối với Báo cáo của UBND tỉnh về việc giải quyết và trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp lần thứ 4: Đại biểu Nguyễn Thị Dung (T.P Thái Nguyên) cho rằng, ngoài các ý kiến trả lời xác đáng thì có 2 ý kiến trả lời chưa thuyết phục đại biểu HĐND cũng như cử tri. Đó là ý kiến về việc “chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh nhân chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế thiếu chu đáo; thái độ của một số y, bác sĩ, cán bộ làm chế độ bảo hiểm y tế sách nhiễu, gây phiền hà đối với người bệnh”, “Một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân”. Trả lời của UBND tỉnh đối với biểu hiện thái độ không tốt trong giao tiếp với người nhà, bệnh nhân chỉ là hành vi đơn lẻ không có tính phổ biến của một số ít nhân viên y tế, thường là các hộ lý, y công, ít gặp ở bác sĩ, điều dưỡng. Về biện pháp đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên mang tính hình thức, chưa có chế tài thực sự, ngoài công tác tuyên truyền cần có quy định cụ thể và thời gian xử lý…

 

Về 6 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch trong năm 2012

 

Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Phổ Yên) cho rằng việc không hoàn thành các chỉ tiêu trên là do tỉnh ta xây dựng kế hoạch cao. Cũng nói về vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Thế Đề (Phú Lương) và Nguyễn Xuân Trường (Phổ Yên) và bà Vương Kim Hoa, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ nguyên nhân chủ quan là gì, nguyên nhân khách quan ra sao. cần phải phân tích, đánh giá kỹ và tuyên truyền để cử tri và nhân Đại biểu Dương Văn Lành, đại biểu Bùi Đức Cường ( Đồng Hỷ) đề nghị: cần phải phân tích, đánh giá kỹ và tuyên truyền để cử tri và nhân dân nắm được nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đồng thời nêu rõ giải pháp khắc phục khó khăn trong năm 2013, nhất là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Đối với vấn đề nợ thuế của các doanh nghiệp: Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Phổ Yên); ông Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Phú Lương đều cho rằng cần phải liệt kê cụ thể tên những doanh nghiệp có nợ thuế. Đại biểu Nguyễn Đức Minh (Phổ Yên) cho rằng trong báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội… của UBND tỉnh chưa đánh giá hết những khó khăn của các doanh nghiệp, số liệu giữa các báo cáo chưa thống nhất. Đại biểu Trương Thị Huệ (Đại Từ) cho rằng một số lĩnh vực cần đánh giá sâu và làm rõ hơn như những khó khăn của doanh nghiệp (DN) và các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là tình hình nợ xấu.

 

Về một số chỉ tiêu năm 2013

 

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Huyền (Đồng Hỷ) phân tích: Theo dự báo năm 2013, nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn, nếu đề ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm là cao. Vì thu nhập bình quân đầu người năm 2012 mới đạt 25,7 triệu đồng/người (kế hoạch là 27 triệu đồng), nên để ở mức 25 triệu đồng là hợp lý. Một trong những giải pháp để thực hiện tốt các chỉ tiêu về thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 là tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đại biểu Đinh Khắc Hiển (Phú Bình) đề xuất: Đặc điểm của các doanh nghiệp ở tỉnh là thiếu vốn, năng lực cạnh tranh thấp, vì vậy, vấn đề quan trọng là tỉnh tiếp tục đề xuất với Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất tiền vay theo lộ trình hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn; thực hiện giãn, giảm thuế; cần có cơ chế xử lý nợ xấu và chính sách khoanh nợ với một số ngành nghề, doanh nghiệp đặc thù. Tỉnh cũng nên sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp và có cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

 

Về công tác cán bộ

 

 Đại biểu Dương Văn Hào (Võ Nhai) cho rằng các trường hợp được lựa chọn đi học theo hình thức cử tuyển vào các trường đại học, khi ra trường, về địa phương, chưa được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hay việc tuyển dụng cán bộ khuyến nông, UBND tỉnh cho phép ưu tiên người địa phương, tuy nhiên ưu tiên như thế nào thì lại chưa quy định rõ…

 

Về Báo cáo công tác xét xử và thi hành án hình sự năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013 của ngành Toà án nhân dân (TAND) tỉnh.

 

Đại biểu Trương Thị Huệ (Đại Từ) cho rằng trong Báo cáo của TAND tỉnh phần phương hướng nhiệm vụ năm 2013 chưa nêu được cụ thể. Tỷ lệ án phải sửa, án phải hủy còn cao; tiến độ giải quyết án chậm, chất lượng giải quyết án chưa cao…đề nghị ngành Tòa án cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để khắc phục tình trạng này.

 

Việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động xuất khẩu: Đại biểu Nguyễn Thị Hằng (Phú Bình) cho rằng rất khó khăn. Nguyên  nhân chủ yếu là do một số thị trường không còn hấp dẫn với người lao động (Malaisia); có thị trường lại dừng tuyển lao động (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, người đi lao động xuất khẩu là hộ nghèo không bảo đảm kinh phí để chi phí xuất cảnh nên không đi lao động xuất khẩu được, vì giữa nguồn kinh phí được vay với nguồn kinh phí để chi phí xuất cảnh chênh lệch quá lớn (vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ được 30 triệu đồng, nhưng kinh phí đủ điều kiện để người lao động chi phí xuất cảnh trên 60 triệu đồng). Để giải quyết vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang bàn và đề nghị xây dựng Quỹ hỗ trợ việc làm để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động…

 

Về các vấn đề khác: Đại biểu Lương Văn Lành (Định Hoá) cho rẳng cần thành lập trang Web để truy cập thông tin liên quan đến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; có quy định cụ thể về quy tập hài cốt liệt sĩ về quê nhà để giảm khó khăn cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ xoá nhà dột nát cho hộ nghèo, vì theo rà soát năm 2012, riêng huyện Định Hoá còn khoảng 1.900 nhà cần hỗ trợ. Đối với việc sử dụng đất nông, lâm trường, các lâm trường: Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Phú Bình), đại biểu Dương Văn Lành (Đồng Hỷ) đề nghị: Cần giải quyết dứt điểm và có biện pháp thu hồi để sử dụng đất có hiệu quả. Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đồng chí Hoàng Cường Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đề nghị cần bố trí vốn cho các xã hoàn thiện các tiêu chí về trường học, trạm y tế, nhất là trụ sở UBND xã. Về thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh thô năm 2013, phấn đấu đạt 0,1 phần nghìn, tỉnh cần phải chỉ đạo kiện toàn lại bộ máy cán bộ chuyên trách cấp xã. Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (Phú Bình), vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cần so sánh với năm trước; công tác tiếp công dân ra sao; về công tác thanh tra đất đai, số liệu còn chung chung; chưa chỉ rõ loại đất gì; cán bộ, đảng viên có vi phạm hay không… Đại biểu Trương Thị Huệ (Đại Từ) nêu tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp gia tăng, đề nghị cơ quan trong khối này chú trọng giải quyết, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng…