Mua và đọc báo Đảng: Còn nhiều bất cập

09:37, 28/12/2012

Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, báo Đảng địa phương (gọi chung là báo Đảng) được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn thông tin chính thống, thể hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc mua và đọc báo Đảng sẽ góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng cũng như những kinh nghiệm sản xuất của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

 

Đồng chí Lê Quý Hợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cù Vân (Đại Từ): Thời gian qua, Đảng ủy xã và Chi bộ cơ quan xã Cù Vân đã duy trì tốt việc đặt mua và đọc báo Đảng. Chúng tôi coi đây là tài liệu quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và sự điều hành của chính quyền địa phương, cũng như để lưu trữ về sau...

 

 

Ông Đỗ Văn Chắc, Bí thư Chi bộ xóm Mấu, xã Phượng Tiến (Định Hóa):  Đối với khu vực nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thì báo Đảng vẫn là một món ăn tinh thần quan trọng. Chúng tôi có được nhiều thông tin thời sự, kinh nghiệm sản xuất cũng như kiến thức pháp luật thông qua đọc báo...

 

 

 

 

Chỉ thị số 11-CT/TW tháng 12/1996 của Bộ Chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng đã quy định rõ: “Mỗi chi bộ Đảng, mỗi UBND, HĐND xã, phường, mỗi cơ sở Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong cả nước đều có Báo Nhân Dân (hằng ngày) và các báo của đảng bộ địa phương mình. Mỗi đảng bộ cơ sở đều có ít nhất một cuốn Tạp chí Cộng sản. Có các hình thức phù hợp để đảng viên, đoàn viên và nhân dân thường xuyên đọc, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng”. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà rất nhiều tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đang không có báo Đảng. Lượng phát hành các ấn phẩm báo Đảng, điển hình là Báo Nhân dân và Báo Thái Nguyên đang có chiều hướng sụt giảm.

 

Tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh 785 tổ chức cơ sở Đảng (gồm 359 đảng bộ cơ sở, 426 chi bộ cơ sở) và 4.938 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trong đó có 181 đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn. Điều này đồng nghĩa với ngần ấy cơ sở Đảng phải có Báo Nhân Dân, Báo Thái Nguyên để nghiên cứu, chưa tính đến UBND các cấp và các hội, đoàn thể cũng phải đặt mua theo quy định của Chỉ thị số 11-CT/TW. Tuy nhiên, theo thống kê của Bưu điện tỉnh, lượng phát hành của Báo Thái Nguyên hiện nay chỉ đạt khoảng 5.600 tờ/kỳ, đối với Báo Nhân dân khoảng 4.400 tờ/kỳ. Đây là thống kê qua nhiều đầu mối cơ quan, đơn vị và cá nhân (trong đó có hơn 800 tờ do Ban Dân tộc tỉnh đặt mua cho đối tượng là người có uy tín ở các xóm, bản có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao) nên từ thực tế cho thấy số cơ sở “trắng” báo Đảng là không nhỏ.

 

Tìm hiểu ở một số địa phương, đơn vị trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy có nhiều tổ chức cơ sở vẫn “cố tình” làm trái quy định về việc mua và đọc báo Đảng. Như ở huyện Đại Từ, lượng đặt mua Báo Thái Nguyên trong tháng 12/2012 là 513 tờ, chủ yếu cho các chi bộ nông thôn, đường phố (được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt và cấp phát qua kênh bưu điện) và những người có uy tín trong cộng đồng. Thống kê của Bưu điện huyện cho thấy: Có 27/31 chi bộ cơ quan và bí thư đảng ủy xã, thị trấn, 100/103 chi bộ trường học (trừ các trường: THPT Lưu Nhân Chú, Tiểu học Yên Lãng và THCS Nội trú) cùng hầu hết các chi bộ doanh nghiệp không mua báo Đảng. Với huyện Định Hóa, việc đặt mua báo Đảng của các chi bộ cơ quan cấp huyện có tốt hơn. Thế nhưng toàn bộ chi bộ trường học ở bậc mầm non, tiểu học, THCS và phần lớn chi bộ cơ quan xã, chức danh bí thư đảng ủy xã lại không có Báo Thái Nguyên. Hay đối với Khối Doanh nghiệp tỉnh, mặc dù có chi tiền hỗ trợ mua báo Đảng cho cơ sở nhưng Đảng ủy Khối chưa thống kê được cụ thể việc mua và đọc báo Đảng ở các đơn vị trực thuộc.

 

Bên cạnh vấn đề đặt mua, việc đọc báo tại nhiều tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các chi bộ nông thôn, cũng còn chưa hợp lý. Đối với các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, thời gian chuyển báo từ xã xuống chi bộ có khi mất tới 2-3 ngày. Báo lại chủ yếu đặt ở nhà bí thư chi bộ, hầu như không được chia sẻ để tập thể cùng nghiên cứu. Vì công việc đồng áng bận rộn, nhiều khi bản thân các bí thư chi bộ cũng không nghiên cứu được nội dung báo chí tuyên truyền là mấy. Theo ông Nguyễn Văn Nho, Bí thư Chi bộ Thanh Xuân 2, xã Đồng Tiến (Phổ Yên): Sở dĩ chúng tôi không để báo ở nhà văn hóa xóm cho nhân dân cùng đọc là vì chưa có tủ đựng riêng, lại không có người quản lý, rất dễ bị thất lạc. Chi bộ lại sinh hoạt ghép nên việc lựa chọn đặt báo ở điểm nhà văn hóa xóm nào cũng là việc khó…

 

Lý giải về tỷ lệ đặt mua báo Đảng ở khối cơ quan, trường học và doanh nghiệp còn đạt thấp thì có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cần thẳng thắn thừa nhận, hình thức và nội dung của các ấn phẩm báo Đảng còn khô cứng, lượng thông tin và tính giải trí không cao nên chưa hấp dẫn đối với người đọc. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức của lãnh đạo cấp ủy Đảng ở các cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ về việc đặt mua và đọc báo Đảng, một số nơi còn buông lỏng công tác phát hành. Cô giáo Trần Thị Tú Uyên, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Thượng (Đại Từ) cho rằng: Thay bằng việc đặt mua báo in, chúng tôi sử dụng mạng Internet để đọc và tra cứu thông tin. Về một số vấn đề liên quan ở địa phương được đề cập trên báo, Chi bộ sẽ mượn báo của Đảng ủy xã để nghiên cứu… Đồng chí Tống Văn Thiện, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Lương (Đại Từ) thì cho biết: Đảng ủy xã và Bí thư Chi bộ cơ quan xã chưa đặt mua báo Đảng bởi kinh phí cho sinh hoạt Đảng rất hạn chế, chỉ tính khoản chi cho hoạt động thường xuyên và hội họp đôi khi còn không đủ… Khảo sát ở nhiều tổ chức cơ sở Đảng khác, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự: Do thiếu kinh phí, nhiều nơi thường sử dụng mạng Internet để đọc báo, tra cứu thông tin hoặc dùng kinh phí để mua các tạp chí chuyên ngành thay cho báo Đảng…

 

Thực tế cho thấy, mặc dù mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác đã và đang phát triển rất nhanh chóng nhưng báo Đảng nói riêng, báo in nói chung vẫn có những thế mạnh mà các kênh thông tin khác khó có được. Mọi người có thể đọc báo bất kỳ lúc nào (khi giải lao, lúc đi tàu xe hoặc vào thời gian rảnh rỗi…). Báo Đảng cũng là nguồn thông tin chính thống để tra cứu và tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng. Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về ban hành quy chế hoạt động công tác Đảng của các tổ chức cơ sở Đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở cũng quy định rõ: Kinh phí để mua các ấn phẩm báo Đảng được trích từ kinh phí hoạt động của Đảng (lấy từ các nguồn thu đảng phí, ngân sách Nhà nước và các nguồn thu khác). Như vậy, việc các tổ chức cơ sở Đảng không đặt mua báo Đảng hoặc thay báo Đảng bằng các ấn phẩm báo chí chuyên ngành khác là chưa đúng quy định. Từ đó dẫn tới hệ quả là việc nắm bắt thông tin, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bị ảnh hưởng…

 

Nâng cao số lượng phát hành, chấn chỉnh việc đặt mua và đọc báo Đảng trong sinh hoạt Đảng là yêu cầu bức thiết. Để làm được điều này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành Bưu điện cũng như sự cố gắng, nỗ lực của từng cơ quan báo chí trong việc đổi mới hình thức trình bày, nâng cao chất lượng nội dung. Gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về việc tiếp tục đẩy mạnh việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Quan trọng nhất, cần có đợt khảo sát, kiểm tra cụ thể và có chế tài xử lý đối với những đơn vị “cố tình” không thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương, của tỉnh về việc mua và đọc báo Đảng.

 

 

Kết luận số 29-KL/TW ngày 25-8-2012 của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Ở tỉnh ta, ngày 3-10-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về việc tiếp tục đẩy mạnh việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có Hướng dẫn số 59 HD/BTGTU ngày 20/11/2012 về việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó yêu cầu các đơn vị trích kinh phí theo quy định để mua báo, tạp chí, tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ...