Số hóa trong quản lý đất đai: Trị tận gốc “căn bệnh” cố hữu của địa chính cơ sở

09:22, 20/12/2012

Có thể nói, “căn bệnh” cố hữu mà bấy lâu nay cán bộ địa chính ở cơ sở mắc phải đó là rườm rà, mơ hồ, đôi khi thiếu chính xác trong công tác quản lý đất đai. Việc Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) đang gấp rút hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống quản lý đất đai (dù mới triển khai điểm tại huyện Định Hóa) theo hình thức số hóa đã góp phần quan trọng điều trị tận gốc căn bệnh này.

Định Hóa nhiều năm qua được xem là địa bàn phức tạp trong công tác quản lý đất đai. Có thời điểm huyện này còn bị coi là buông lỏng quản lý đất đai, đặc biệt là ở cấp xã. Công tác quản lý sau quy hoạch đất đai ở cơ sở còn chưa sát sao; việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và triển khai các thủ tục cấp đất đối với nhân dân còn chưa được các xã thực hiện. Từ đó dẫn đến việc vi phạm Luật đất đai, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai trên địa bàn huyện diễn ra phổ biến. Có năm, huyện thống kê được cả nghìn trường hợp vi phạm… Do vậy, việc triển khai Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trong toàn tỉnh thông qua mạng điện tử (gọi tắt là số hóa hay phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Vilis 2.0) mà huyện Định Hóa được chọn làm điểm với mục tiêu tăng cường năng lực công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai trên địa bàn là rất quan trọng. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2011 và chuẩn bị đưa vào vận hành điểm tại 9 xã của huyện Định Hóa vào cuối tháng 12 này.

 

Tình cờ hôm chúng tôi có mặt tại Phòng TNMT Định Hóa để tìm hiểu về Dự án này thì gặp đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở TNMT cùng các chuyên viên đang kiểm tra công tác chuẩn bị lần cuối trước khi đưa vào vận hành. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn đánh giá: Công tác chuẩn bị từ bố trí máy móc, thiết bị đến tập huấn, hướng dẫn thao tác, quản lý theo hệ thống số hóa cho cán bộ địa chính huyện và các xã thụ hưởng đã cơ bản hoàn tất. Việc sắp xếp vị trí, phòng ban cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể đang được chỉ đạo thực hiện tốt. Tại Phòng TNMT huyện bố trí 6 máy tính, 2 máy quét, máy in A3 và 1 máy trạm, còn tại 24 xã, thị trấn trong huyện cũng đặt 24 máy tính nối mạng. Trước đó, đã có 10 đơn vị tư vấn tiến hành lập hồ sơ đất đai (cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trên toàn địa bàn huyện, chuyển cho Phòng TNMT huyện rà soát, thẩm định. Khi đưa vào vận hành, tất cả các hồ sơ đất đai sẽ được cập nhật đầy đủ trên hệ thống điện tử thông qua phần mềm Viliss 2.0. Tất cả các hệ thống quản lý từ tỉnh đến huyện, xã đều được nối mạng nội bộ. Bất kể sự biến động nào về đất đai ở bất kỳ địa bàn nào trong huyện đều được công khai, minh bạch trên mạng. Cán bộ quản lý ở tỉnh, huyện có thể cập nhật thông tin và biết rất rõ những biến động về đất đai của từng hộ gia đình, từng xóm, xã nhờ hệ thống số hóa này.

 

Ông Ma Đình Nghị, Phó Trưởng phòng TNMT huyện cho hay: Trước đây muốn tách một thửa đất phải qua các khâu từ phô tô Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình cán bộ xã xác nhận, chuyển lên huyện để cán bộ xuống đo thực địa (đo đạc thủ công), cho đến hoàn chỉnh hồ sơ (tự đặt tên số thửa), trình huyện ra quyết định cấp Giấy chứng nhận, chuyển cho nhân dân. Việc làm cơ học này sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí không cần thiết. Điều lo ngại là phải đo, vẽ, điền thêm số thửa mới tách vào bản đồ địa chính (bằng giấy) khiến rất mất thời gian mà lại khó chính xác. Bởi vậy, gần như bản đồ địa chính nào ở cơ sở cũng nhàu nát, chằng chịt và rất khó xem. Khi hệ thống quản lý được số hóa, việc đo vẽ bản đồ đều đã thực hiện bằng máy và thao tác trên máy tính. Việc tách thửa đất nào đó sẽ ngay lập tức được cập nhật và các nhà quản lý từ tỉnh đến huyện, xã đều biết. Điều đó giúp cho việc kiểm tra, giám sát dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế tối đa việc cấp dưới báo cáo sai lệch nội dung, sự việc với cấp trên.

 

Khi thực hiện số hóa, các thủ tục, hồ sơ cấp đất trước đây thuộc thẩm quyền của cán bộ địa chính xã (trình huyện cấp) thì nay được giao về cho cán bộ cấp huyện thực thi. Qua đó góp phần giảm thiểu sự  rườm rà, phức tạp, phiền nhiễu cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Việc gây khó dễ hay “ém” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để sách nhiễu, vòi vĩnh như một vài trường hợp cán bộ địa chính cấp xã của tỉnh đã làm mà dư luận, báo chí nêu thời gian qua chắc chắn sẽ không còn. Các trường hợp cấp sai, cấp chồng lấn số thửa đất cho nhân dân do cán bộ địa chính tắc trách, quan liêu hoặc vì lý do bản đồ quá cũ nát, khó xác định như thời gian trước cũng sẽ không tồn tại. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ bị hạn chế tối đa…

 

Ông Đặng Văn Huy, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TNMT) phân tích: Việc số hóa trong quản lý đất đai sẽ giúp quy trình quản lý có hệ thống hơn (trước mắt là đồng bộ tài liệu quản lý đất đai của 3 cấp tỉnh, huyện, xã), chuyên nghiệp hơn và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin thời đại mới, tiến tới Chính phủ điện tử. Với ưu điểm là nhanh, chính xác, nên qua đây sẽ giúp công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo có những chính sách, hành động kịp thời trong quản lý đất đai. Ngoài là nguồn thông tin hữu ích cho các ngành, đây còn là cơ sở để người dân tiếp cận thông tin đất đai, quy trình làm việc của cơ quan Nhà nước, từ đó thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm, tránh tiêu cực trong quản lý đất đai tại địa phương…

 

Công tác chuẩn bị đưa hệ thống quản lý đất đai theo hình thức số hóa tại huyện Định Hóa đã cơ bản hoàn tất. Trên 71.900 hồ sơ cấp đất của toàn huyện đã được cập nhật trên mạng. Tất cả những biến động về đất đai của huyện sẽ ít nhất được 3 cấp quản lý (xã, huyện, tỉnh) cập nhật, theo dõi và xử lý từng giờ thông qua mạng điện tử. Được biết, tới đây mô hình quản lý này sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.