Ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII

10:37, 13/12/2012

.

 

Có cơ chế hỗ trợ cho vay hộ cận nghèo

Ông Đồng Quang Nghị, Chủ tịch MTTQ xã Hùng Sơn (Đại Từ)

Ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn rất mỏng nhưng đối với vay vốn ngân hàng thì lại có sự phân biệt rõ ràng. Đối với hộ nghèo được vay vốn ưu đãi (theo quy định hiện hành lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 0,65%/tháng và khoảng 7,8%/năm), còn hộ cận nghèo thì chưa có cơ chế nào để hỗ trợ. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo vì họ thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Theo quy định hiện hành hộ cận nghèo không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mặt khác họ càng không có đủ điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp. Vì thế, các cơ quan liên quan cần xây dựng kế hoạch, có cơ chế hỗ trợ cho vay hộ cận nghèo, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

 

Phải xử lý “mạnh tay” đối với việc sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng

Bà Phó Thị Tư, xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên)

 

Sử dụng các loại phân bón là giải pháp tối ưu giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân chúng tôi. Phân bón giả, kém chất lượng có thể phá hỏng nhiều diện tích cây trồng, khiến người nông dân lâm vào cảnh điêu đứng. Không chỉ mất công sức, tiền bạc để bón lại, chúng tôi còn phải bỏ công sức đầu tư, hồi phục vườn cây, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của những vụ sau… Bởi vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn. Khi phát hiện có vi phạm thì phải xử lý “mạnh tay” để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Cùng với đó là hướng dẫn chúng tôi hiểu rõ chất lượng của từng loại phân bón cũng như thông báo rộng rãi những sản phẩm không bảo đảm chất lượng để người nông dân biết cách phòng tránh.

 

Sớm ban hành dự toán Quy định mức kinh phí Quy hoạch nông thôn mới cho cấp xã

Bà Nguyễn Mai Huyên, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai:


Theo điều 5, Thông tư liên tịch số 13, ngày 28-10-2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: "UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động lập kế hoạch kinh phí và quy định mức kinh phí quy hoạch cho cấp xã phù hợp với thực tế trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, UBND tỉnh chưa có quy định mức kinh phí cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới (QH XD NTM) cấp xã. Do vậy, các đơn vị tư vấn khi lập dự toán QH XD NTM cấp xã vẫn tạm tính theo bảng số 2: "Định mức chi phí lập định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã theo Thông tư số 17, ngày 30-9-2010 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Áp dụng theo Thông tư này, chi phí cho xây dựng QH XD NTM cấp xã mới chỉ có ở lĩnh vực xây dựng, chưa tính đến chi phí cho quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển sản xuất. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xác định trình UBND tỉnh sớm ban hành dự toán Quy định mức kinh phí QH NTM cho cấp xã để cấp huyện có cơ sở thực hiện.

 

Thi công đường cần đảm bảo cho bà con sản xuất nông nghiệp

Ông Đồng Văn Mầu, xóm Đớ, xã Bá Xuyên (T.X Sông Công)

 

Đoạn đường Cách mạng Tháng Tám kéo dài nối với tỉnh lộ 262 thi công trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân 3 xóm: Na Chùa, Đớ và xóm Chùa của xã Bá xuyên, T.X Sông Công. Cụ thể: Ruộng lúa bị ngập úng khi trời mưa, thiếu nước khi trời nắng do một số cống thoát nước nằm cao hơn mặt ruộng nên không thể dẫn được nước; đất đá dùng để thi công tuyến đường tràn cả xuống ruộng làm ảnh hưởng đến cây lúa trên đồng. 4 nhân khẩu của gia đình tôi chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng thì có 1,2 sào lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thi công tuyến đường này. Trong 2 năm kể từ khi tuyến đường thi công, chúng tôi trồng được 4 vụ lúa thì vụ nào cũng phải cấy lại do nước ngập làm chết lúa non. Trước kia, với 2 vụ lúa mỗi năm, chúng tôi thu hoạch trung bình được khoảng 3,5 tạ lúa/năm thì từ khi thi công tuyến đường, chúng tôi chỉ thu hoạch được trung bình 1,5 tạ lúa/năm. Chúng tôi đề nghị đơn vị thi công và các ngành liên quan sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, xem lại hệ thống thoát nước để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.