LTS: Sáng mai (12-12), Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII sẽ được khai mạc. Kỳ họp sẽ bàn thảo, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh, đặc biệt là về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Nhằm góp phần phục vụ Kỳ họp đạt kết quả, hiệu quả cao, Báo Thái Nguyên điện tử đăng tải một số ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp.
Quan tâm tới đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã
Bà Trần Thị Mỹ, cán bộ DS-KHHGĐ xã Động Đạt (Phú Lương)
Tháng 9-2011, tôi làm hồ sơ đề nghị xét tuyển viên chức vào làm cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Trạm Y tế xã Động Đạt theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14-5-2008 của Bộ Y tế hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương. Căn cứ vào các tiêu chuẩn của Thông tư nói trên thì tôi có đủ điều kiện thuộc diện được xét tuyển. Tuy nhiên, đến tháng 1-2012, tôi được Chi cục Dân số tỉnh trả lời là không có phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp xã nữa và đề nghị chúng tôi nghỉ làm để bàn giao công việc cho Trạm Y tế xã. Tháng 6-2012, Chi cục Dân số tỉnh lại chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện gọi tôi ra ký hợp đồng để tiếp tục làm công tác DS-KHHGĐ của xã trong thời gian chờ đợi UBND tỉnh có quyết định xét tuyển.
Tôi đã có thời gian gần 10 năm gắn bó với công tác DS-KHHGĐ ở xã. Được biết, trường hợp của tôi là 1 trong số 43 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp xã của cả tỉnh đang phải chờ đợi quyết định xét tuyển của UBND tỉnh. Tôi mong muốn tỉnh và ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã để chúng tôi đỡ thiệt thòi và yên tâm công tác…
Đề nghị xem xét lại chế độ phụ cấp cho cán bộ Hội Người cao tuổi
Ông Nguyễn Văn Diễm, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đào Xá (Phú Bình)
Những năm qua, Hội Người cao tuổi (NCT) các xã, thị trấn đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hội NCT cũng giúp cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể giải quyết nhiều công việc ở cơ sở, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên hiện nay, chế độ phụ cấp dành cho cán bộ phụ trách Hội NCT vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể: Theo quy định hiện hành, chủ tịch hội NCT cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp là 900.000 đồng/tháng, nhưng Phó Chủ tịch Hội lại không được hưởng bất cứ một khoản phụ cấp nào, trong khi khối lượng công việc và trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hội là không hề nhỏ. Mặt khác, phó chủ tịch các tổ chức hội, đoàn thể khác ở cấp xã (như: hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh…) lại đều được hưởng chế độ phụ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, hiện nay chi hội trưởng chi hội NCT ở các thôn, xóm cũng chưa có chế độ phụ cấp. Vì vậy theo tôi, để bảo đảm công bằng, đồng thời khuyến khích, động viên các cán bộ Hội NCT tích cực hơn nữa trong công tác Hội, đề nghị HĐND tỉnh xem xét giải quyết chế độ phụ cấp cho các chức danh Phó Chủ tịch Hội NCT cấp xã, thị trấn và chi hội trưởng chi hội NCT ở các thôn xóm…
Dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh hại cây trồng,vật nuôi
Bà Nguyễn Thị Xuân, xóm Đồi, xã Nam Tiến (Phổ Yên)
Hiện nay, giá cả nhiều loại hàng hóa vật tư nông nghiệp (như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi…) tăng cao, khiến nông dân chúng tôi phải mất rất nhiều chi phí cho sản xuất. Ngoài ra, do thời tiết diễn biến phức tạp nên xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi, trong khi nông dân chúng tôi chưa biết cách phòng trừ kịp thời dẫn đến bị thiệt hại. Đơn cử như trong vụ mùa vừa qua, nhiều hộ nông dân ở huyện Phổ Yên có diện tích lúa bị bệnh bạc lá, do không được dự báo chính xác và phun không đúng loại thuốc đặc trị nên đã bị ảnh hưởng từ 10-20% năng suất. Vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật xuống cơ sở để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị đối với từng loại sâu bệnh vào đúng thời điểm. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa, rau màu, giúp bà con nâng cao thu nhập trên đồng ruộng…
Quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, ở xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn (T.X Sông Công)
Mấy năm gần đây, các trang trại chăn nuôi lợn, gà ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) phát triển cả về quy mô và số lượng, nằm dọc theo dòng sông Công, phía bên trên xã Bình Sơn. Điều đáng nói là nước thảỉ của các trang trại này đã xả thẳng xuống khiến nước sông bị ô nhiễm nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xã Bình Sơn. Trước kia, dòng sông này trong xanh, người dân có thể tắm được, thì nay rất bẩn thỉu, nổi lềnh bềnh các loại chất thải từ những trang trại chăn nuôi, thậm chí nhiều khi còn có cả xác lợn, gà chết trôi theo dòng nước xuống khu vực xã Bình Sơn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên phải sống chung với mùi hôi thối từ các trang trại bốc lên. Tình trạng này đã diễn ra hơn 2 năm nay, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của người dân xã Bình Sơn. Vì vậy đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng này để bảo đảm vệ sinh môi trường nước và không khí trong khu vực...