Góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc

20:42, 16/01/2013

Vào thời điểm chuyển giao giữa năm Nhâm Thìn 2012 và Quý Tỵ 2013, Đại Từ, vùng đất nằm dưới chân núi Tam Đảo, quê hương của vị Anh hùng Lưu Nhân Chú sẽ tổ chức Lễ hội Trà lần thứ nhất. Lễ hội nhằm tôn vinh những người làm chè, cây kinh tế mũi nhọn, tạo nên nết đặc sắc văn hóa của vùng quê nửa đồng, nửa núi.

Đại Từ nằm ở vùng Tây - Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, là vùng đất mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ nên từ xa xưa nơi này đã là nơi cư trú của nhiều tộc người. Đại Từ không chỉ có nguồn khoáng sản dồi dào nằm trong lòng đất mà còn phù hợp với nhiều loại cây trồng, tạo nên một môi trường sinh thái đa dạng. Dòng sông Công bắt nguồn từ đỉnh Đèo De, Phú Đình (Định Hóa) chảy qua Đại Từ dài trên 30 km đổ về hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trên 25km2 với sức chứa 173 triệu m3, ngoài ra còn có nhiều khe suối bắt nguồn từ dãy Tam Đảo đổ về sông Công và hồ Núi Cốc như dòng “sữa  mẹ” tưới tắm cho những đồi chè, đồng ruộng của huyện thêm xanh tươi, giúp nơi đây có thể nuôi trồng thủy sản…

 

Với tiềm năng, lợi thế nêu trên, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Đại Từ xác định cây chè là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương, giúp người dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu. Đảng bộ định hướng “Tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh để phát triển cây chè, đây là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nâng cao đời sống của nhân dân”. Toàn huyện có 10.749 ha đất thích hợp cho phát triển cây chè, có 19 xã nằm ven chân núi Tam đảo, Núi Hồng và Núi Chúa có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước tưới và khí hậu thuận lợi cho phát triển cây chè, tạo ra được vùng sản phẩm chè ngon, chè đặc sản như: La Bằng, Khuôn Gà (Hùng Sơn), Hoàng Nông, Quân Chu…

                                        

Hiện, huyện có 6.267 ha chè, chiếm khoảng 30% tổng diện tích chè của toàn tỉnh, sản lượng chè búp  tươi năm 2012 đạt 56.400 tấn. Không chỉ có diện tích chè lớn, chè Đại Từ được chú ý bởi hương thơm, vị đậm khiến lòng người xao xuyến. Hương vị đặc trưng đã tách bạch hẳn chè Đại Từ với sản phẩm chè đặc sản của những vùng chè khác. Người sành chè khi nhấp ngụm chè nóng giữa chợ phiên đông người cũng nhận ra rằng đây là chè La Bằng, chè Khuôn Gà, chè Quân Chu. Những năm gần đây, cùng với chủ trương chuyển đổi về cơ cấu giống chè, huyện Đại Từ đã tập trung lựa chọn cho mình những giống chè phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, khuyến khích các hộ nông dân tham gia trồng chè thay thế dần những diện tích chè già cỗi, cho thu hoạch kém, bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn, như giống chè LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên… Chủ trương này cũng phù hợp với xu hướng làm chè vụ đông của bà con ở Đại Từ. Qua nhiều năm, bà con nhận ra rằng, thu hái thêm lứa chè trong vụ đông không làm mất thời gian nghỉ ngơi của cây chè, mà còn khiến cây chè duy trì được sức sống nhờ được chăm bón kỹ càng trong mấy tháng mùa đông cho đến ra Giêng.

  

Xác định Lễ hội là dịp trao đổi hàng hóa, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh  tiêu thụ sản phẩm trà, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán nên huyện Đại Từ tổ chức "Lễ hội Trà Đại Từ lần thứ nhất, năm Nhâm Thìn 2012" vào thời điểm giáp Tết, từ ngày 17-1-2013 đến hết ngày 23-1-2013 ( tức ngày 6-12 đến ngày 12-12 năm Nhâm Thìn). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai năm 2013. Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động như lễ tôn vinh cây chè, các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống đa dạng, phong phú, kết hợp với hội chợ thương mại có quy mô 200 gian hàng giới thiệu các sản phẩm trà, hàng tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm các làng nghề, tổ chức tham quan, giới thiệu với du khách các vùng chè, trong đó có không gian văn hóa trà La Bằng.

 

Trong những năm tới, Đại Từ sẽ phát huy lợi thế về thắng cảnh thiên nhiên của núi rừng Tam Đảo để phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Lễ hội Trà Đại Từ lần thứ nhất sẽ là dịp để người dân trong huyện Đại Từ tôn vinh nghề trồng chè, văn hóa thưởng trà - một thức uống tao nhã và truyền thống của mỗi người dân Việt. Từ Lễ hội trà lần này, huyện Đại Từ mong muốn tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển của cây chè Đại Từ; xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, đặc biệt là phát triển sản xuất, chế biến chè và tiêu thụ các sản phẩm trà, phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của nhân dân các dân tộc Đại Từ.

 

Từ lần tổ chức này, Lễ hội Trà Đại Từ sẽ được duy trì tổ chức thường xuyên vào ngày mùng 6 tháng 12 âm lịch hằng năm và trở thành lễ hội truyền thống của nhân dân các dân tộc Đại Từ, để thu hút du khách và nhân dân các địa phương trong vùng đến tham quan, du lịch, hòa mình vào không khí lễ hội của vùng đất chiến khu cách mạng, đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.