Ngày 26/2, Ban Chỉ đạo Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các sở, ban, ngành của tỉnh. Hội thảo diễn ra dưới sự chỉ đạo của các đồng chí là Phó ban Chỉ đạo của tỉnh: Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp.
Theo chỉ đạo của đồng chí Dương Ngọc Long, yêu cầu các đơn vị tham gia những ý kiến đảm bảo tính khoa học, khách quan, phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm để đạt hiệu quả, chất lượng cao, đại diện các sở, ban, ngành đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung những ý kiến đóng góp sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức cũng như những vấn đề khác.
Theo đó, một số vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm và đưa ra thảo luận, tập trung vào: quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trưng cầu ý dân; hoạt động của Hội đồng Hiến pháp; vấn đề thu hồi đất; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số từ, cụm từ trong các Điều, khoản về: chế độ chính trị (khẳng định tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng); quyền con người; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục; khoa học công nghệ…
Để có được những những ý kiến đóng góp trình bày tại Hội thảo, trước đó, hầu hết các đơn vị đã triển khai tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nội bộ cơ quan mình, tổng hợp thành văn bản. Sau Hội thảo, các ý kiến trên được tập hợp về Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong cơ quan mình cũng như tại nơi cư trú để việc lấy ý kiến đạt hiệu quả, có chất lượng.
* Cùng ngày, Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các thành viên và thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất khẳng định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản chặt chẽ về bố cục, nội dung ngắn gọn, cụ thể từng điều khoản so với Hiến pháp cũ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm với nhân dân: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình". Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: trong Điều 9 nên tách nội dung "giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức" đồng thời nên nêu cụ thể phản biện xã hội gồm những nội dung gì; khoản 3 điều 9 nên thay chữ "tạo điều kiện" bằng "bảo đảm"; Điều 38 cần bổ sung thêm quy định về việc sử dụng lao động làm các công việc nặng nhọc; Điều 51 nên ghi là công dân có nghĩa vụ nộp thuế theo Luật định; Điều 62, khoản 1 cần ghi cụ thể là tạo ra nhiều việc làm chính đáng, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động...
*Ngày 26/2, Ủy ban MTTQ huyện Võ Nhai đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 2012.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2012; Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản đều nhất trí với các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đã phát biểu góp ý vào câu từ một số điều trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: ghép nội dung từ Điều 21 sang điểm 1 Điều 22; bổ sung Điểm 2, Điều 58 cụm từ "Nhà nước có chính sách về đất đai đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa; thay từ "bảo hộ" vào Điểm 2, Điều 39...
Sau hội nghị này, Ủy ban MTTQ các xã, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ huyện sẽ tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân, đoàn viên, hội viên ở các xã, thị trấn. Ủy ban MTTQ huyện sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp về Ban Chỉ đạo về sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 của huyện...
* Cùng ngày, đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Dân Vận đã quán triệt về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như phổ biến một số vấn đề đã được sửa đổi, bổ sung trong bản Dự thảo. Nhìn chung, Hội nghị đều tán thành, nhất trí cao với bản Dự thảo bởi cấu trúc hợp lý, thể hiện được sự phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của Đảng, vai trò làm chủ của nhân dân. Các thành viên dự Hội nghị đã trình bày quan điểm, đóng góp một số ý kiến tập trung vào các vấn đề về: quyền con người; quyền công dân; vấn đề thu hồi đất; sửa đổi, bổ sung thêm một số từ, cụm từ trong các điều, khoản cho thật đầy đủ, chặt chẽ: (Điều 21, thêm cụm từ: mọi người đều có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc; Điều 4, thêm cụm từ: Đảng phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân); Điều 25, khoản 1 thêm cụm từ: theo chuẩn mực đạo đức và thiết chế xã hội…).
Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổng hợp lại và gửi lên Ban Chỉ đạo Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của tỉnh.