Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

14:41, 11/03/2013

Ngày 11/3, Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Bùi Khánh Thái, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu thống nhất nhận định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nội dung Dự thảo có bố cục khoa học, việc rút ngọn, gộp một số chương, điều giúp Dự thảo ngắn gọn và hợp lý hơn. Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội là hoàn toàn đúng đắn với lý luận và lịch sử. Các ý kiến đóng góp của đại biểu tập trung vào điều chỉnh, sửa đổi một số câu từ trong Dự thảo cho phù hợp. Cụ thể như: Bổ sung ý mọi người sinh ra đều có quyền sống ở Điều 21; Điều 50 quy định mọi công dân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật, cần bổ sung ý khi nào nộp thuế, hình thức nộp; trong quy định về tội phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất, cần làm rõ thế nào là tội nặng nhất, cũng như hình thức xử phạt…Các đại biểu cũng đề nghị, trong nội dung Điều 9 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cần quy định rõ hơn vài trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nên gộp Điều 15 với Điều 17 và 22; gộp nội dung Điều 48 và 49…

 

* Chiều 11/3, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo và đại diện các tổ chức xã hội tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Hội nghị lần thứ 3). Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã góp ý chi tiết về nội dung, bố cục của lời nói đầu và các điều, khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhất là về Điều 9 liên quan đến hoạt động của Ủy ban MTTQ và quyền công dân, quyền con người. Cụ thể như: Tại Điều 9, cần cụ thể hóa nội dung phản biện xã hội của MTTQ là gì; nên tách đối tượng của giám sát riêng với phản biện xã hội. Cần khôi phục Điều 59 và Điều 71 trong Hiến pháp năm 1992. Điều 34 và Điều 56 có trùng nhau về nội dung: Quy định quyền hạn kinh doanh sản xuất của các tổ chức, cá nhân, khi sửa đổi nên thêm từ "hợp pháp". Đối với Điều 62 cần bổ sung thêm khoản 3: "Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ" cũng như cần đưa ra các hình phạt nặng đối với các hành vi xâm hại thân thể người phụ nữ...