Ngày 6/3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các Bộ, ngành và 64 tỉnh, thành phố nhằm đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương, đồng thời nắm bắt kết quả bước đầu về công tác lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì điểm cầu Thái Nguyên. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến ngày 4/3 đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo tình hình tổ chức lấy ý kiến. Nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo đúng kế hoạch. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự thảo được chú trọng thực hiện…Về phía tỉnh Thái Nguyên, đến nay, toàn bộ 9 huyện, thành, thị và 23 cơ quan, đơn vị đã tiến hành hội nghị triển khai lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có 12 đơn vị đã gửi báo cáo nhanh về tình hình tổ chức lấy ý kiến góp ý. Ban Chỉ đạo tỉnh đã phát hành 60 nghìn tờ giới thiệu về những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến tất cả các xóm, bản trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền đăng tải toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền và đăng tải các ý kiến đóng góp của nhân dân…
Các đại biểu dự Hội nghị đã trình bày một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, như: Thời gian thực hiện gấp, trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội; công tác tuyên truyền, phố biến còn hạn chế tại các vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp; nội dung hướng dẫn của Trung ương về việc tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân còn chậm, việc cấp kinh phí phục vụ công tác này chưa được kịp thời…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập hợp đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp, chú ý thống kê, so sánh các ý kiến về cùng một vấn đề, đồng thời bảo vệ các quan điểm, lý luận của Đảng về định hướng, chế độ chính trị; tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý; các địa phương chú ý gửi bản tổng hợp vào đúng kế hoạch là trước ngày 15/3 và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến phạp giai đoạn 2 (trước ngày 26/3)